
Tri ân phải là hoạt động thường xuyên
Cứ gần đến Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7) hằng năm là các cấp, các ngành lại tăng cường các hoạt động tri ân với những người có công với cách mạng. Điều này thể hiện đạo lý ‘’uống nước nhớ nguồn’’ của dân tộc ta và cho thấy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự lan tỏa sâu rộng. Tháng 7 hằng năm trở thành “Tháng tri ân” trên khắp cả nước.
Theo đạo lý của dân tộc, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa, tỉnh Quảng Ninh luôn có những hoạt động thiết thực, hiệu quả. Chẳng hạn như thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và các doanh nghiệp, sau gần 2 năm thực hiện, đến hết tháng 6-2015, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ đối với 4.927 hộ (2.556 hộ xây mới, 2.371 hộ sửa chữa). Quảng Ninh là một trong số những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Đề án này.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 14.000 đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Các quy định về ưu đãi, chế độ chính sách đối với người có công luôn được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, gần đây các hồ sơ đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được giải quyết cơ bản, không còn hồ sơ tồn đọng.
Cùng với cấp ủy, chính quyền thì các đoàn thể cũng tích cực thực hiện các hoạt động tri ân người có công, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ hằng năm. Tiêu biểu như tổ chức Đoàn trong chiến dịch tình nguyện hè mỗi năm đều chọn một trong các chủ đề là “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó mấy năm gần đây duy trì đều đặn việc tổ chức thắp nến tri ân.
Để hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng thiết thực, hiệu quả hơn nữa, nhằm làm cho những gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa phương, cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp cần tiếp tục những việc làm tri ân thường xuyên hơn nữa. Cụ thể, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Hoạt động chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cần có sự phân công, đảm nhiệm cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân. Việc điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, chăm sóc mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ cũng vậy, cần được tiến hành thường xuyên để nhanh chóng xác định danh tính và quy tập các liệt sĩ theo quy định, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm.
Ngọc Hà
Ý kiến ()