Tiếp tục đi sâu nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ngày 30/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ. Hội nghị được truyền trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường trong toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nêu rõ: Hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu các chỉ số được tổ chức thường niên nhằm nhìn lại một năm thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm giữ được chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phản ánh “đầu ra” của quá trình cải cách; trực diện nhìn lại chỉ số thành phần, tiêu chí đánh giá còn nhiều dư địa cải cách, để qua đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ công chức, viên chức phải nhận thức rõ hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình trên hành trình cải cách, tuyệt đối không được chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, vì mục tiêu sự phát triển bền vững của địa phương, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
Với những nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI tiếp tục dẫn đầu toàn quốc, là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PCI, năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PAR-Index (năm 2018, 2019, 2020, 2022, 2023), là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023) và năm đầu tiên dẫn đầu Chỉ số PGI. Các chỉ số là những thang đo rất khoa học, phản ánh tiếng nói khách quan của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đặc biệt là những cán bộ đang thực thi tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã. Điều này cũng được minh chứng bằng kết quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước; thu hút đầu tư năm 2023 đạt 5,1 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng.
Đồng chí bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn kiên trì nỗ lực liên tục trong một thập kỷ qua cùng chung tay, chung sức vào cuộc để cùng góp nên kết quả tốt đẹp trên, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khẳng định, Quảng Ninh luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thân thiện, thành công…
Đồng chí mong muốn, qua hội nghị phân tích lần này, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu tiếp tục đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân và doanh nghiệp, sâu sát cơ sở, nắm chắc thực tế, nói đi đôi với làm, nói lời thật, làm việc thật, đạt hiệu quả thật; tận tâm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội; đồng thời phải luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất. Ngoài ra, tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy cao nhất vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân.
Báo cáo đánh giá chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh, khẳng định trong năm qua, Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI tiếp tục dẫn đầu toàn quốc. Phân tích kỹ từng chỉ số, báo cáo chỉ rõ: Đối với Chỉ số PAR-Index, tỉnh Quảng Ninh có 1/8 lĩnh vực tỉnh đã duy trì, giữ vững thứ hạng, đạt điểm tuyệt đối; có 3/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2022; có 4/8 lĩnh vực của tỉnh đều tăng điểm nhưng giảm thứ hạng so với năm 2022.
Đối với Chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, tuy nhiên lại có đến 6/10 chỉ số giảm điểm so với năm trước. Về xếp hạng, tỉnh có 5/10 chỉ số tăng hạng song cũng có 5/10 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 4/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số và 3/10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian dẫn đầu cả nước; chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí không chính thức lần lượt đứng ở vị trí thứ 2/63 và 3/63.
Đối với Chỉ số SIPAS, theo kết quả tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 90,61%, cao hơn 7,95% so với mức độ hài lòng trung bình toàn quốc, tăng lên 3,02% so với năm 2022. Trong 9 nhóm tiêu chí để đo lường Chỉ số SIPAS năm 2023, Quảng Ninh tăng điểm so với năm 2022 ở cả 9 tiêu chí. Trong đó, có 4 tiêu chí xếp thứ nhất cả nước; 5 chỉ số còn lại đều xếp hạng thứ 2 và thứ 3 cả nước.
Đối với Chỉ số PGI, đây là năm thứ 2 chỉ số này được đưa vào đánh giá trong toàn quốc. Với tổng điểm đạt 26 điểm, Quảng Ninh thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2022 lên thứ nhất năm 2023. Trong 4 chỉ số thành phần của Chỉ số PGI, Quảng Ninh có 4/4 chỉ số tăng điểm; 3/4 chỉ số tăng hạng so với năm 2022 và 1/4 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 2/4 chỉ số đạt và vượt mục tiêu về thứ hạng và đứng top 5 toàn quốc.
Tại hội nghị, các chuyên gia của VCCI, Bộ Nội vụ, các đại biểu đều khẳng định những kết quả đạt được trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và là phần thưởng trân quý từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh. Đồng thời, kết quả này cũng minh chứng cho quá trình liên tục nỗ lực, bền bỉ của tỉnh trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp; trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu công tác; trong kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh trong hơn 10 năm qua với những quyết sách chính trị đổi mới mạnh mẽ; nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược; mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về các chỉ số và những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... trong toàn hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm chính trị, đóng góp, công sức, trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thành tích về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi, đồng Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ những trăn trở: Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng qua phân tích các chỉ số cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục cũng như vẫn còn những dư địa để đổi mới sáng tạo. Vì vậy để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và khắc phục tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, khuyến nghị của các chuyên gia để các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng các giải pháp trong chương trình hành động của địa phương, cơ quan đơn vị để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chủ động tiến hành phân tích, đánh giá tại đơn vị, địa phương mình để xác định rõ những nội dung cần thực hiện, đưa ra các giải pháp cụ thể. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải đổi mới tư duy, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu để tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, làm đúng, làm nhanh hơn, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chỉ đạo của Tỉnh ủy, phấn đấu Quảng Ninh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ phận một cửa cấp xã. Các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, của doanh nghiệp để có giải pháp khắc phục kịp thời; nâng cao trách nhiệm thông tin, giải trình; giải quyết kịp thời, triệt để, thấu đáo các kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC. Qua đó, tiếp tục tạo dựng và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất trong việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân và những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Ngay sau hội nghị này, Sở Nội vụ, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao, giữ vững thứ hạng các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024 theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện và nâng cao các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()