Tiền đồn vững chắc
Từ nền tảng vững chắc, các vùng biên giới trên biển, trên đất liền đã tạo ra những chuyển động đột phá, phát huy vai trò tiền đồn của các địa phương vùng phên giậu Đông Bắc Tổ quốc.
Nhớ mãi lời Bác dạy
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến công nhân Vùng mỏ, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống. Ngày 9/5/1961 đã trở thành niềm tự hào của người dân Cô Tô khi được đón Người ra thăm. Mỗi khi ngắm nhìn tượng đài Bác Hồ, người dân Cô Tô luôn ghi nhớ lời Bác căn dặn năm xưa “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh; có đường biên giới biển gần 200km, trải dài từ TP Móng Cái đến tiếp giáp với huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng; sở hữu vùng biển, ngư trường rộng khoảng 300km2. Trong suốt chiều dài lịch sử, với vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, Cô Tô đã trở thành “phên giậu” của Tổ quốc, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ, là tiền đồn, là cứ địa bảo vệ cửa ngõ phía Bắc.
Huyện Cô Tô là một huyện đảo xa bờ trong số 12 huyện đảo của cả nước và nằm ở phía Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 23/3/1994. Khi mới thành lập, Cô Tô rất nghèo và hoang sơ, với dân số vỏn vẹn khoảng 2.000 người, nhà cửa lụp xụp thưa thớt, cả huyện không có một ngôi nhà tầng. Cô Tô hôm nay đang ngày càng phát triển về mọi mặt, xứng đáng với những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm đồng lòng đoàn kết đưa Cô Tô trở thành “Hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.
Là huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước (năm 2015) và cơ bản đạt huyện nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới năm 2022, những năm qua cơ cấu kinh tế của huyện Cô Tô tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó tập trung nhóm ngành kinh tế có thế mạnh, như: Khu vực công nghiệp - xây dựng có nhiều tín hiệu tích cực, các dự án, công trình động lực, hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chiếm 18,8%; khu vực dịch vụ - du lịch chiếm 67,5%; khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 13,7%; văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt 125 triệu đồng/người/năm.
Song hành với phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng an ninh giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã đặt ra yêu cầu lớn đối với huyện đảo Cô Tô. Huyện tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao khả năng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Hiện nay trên địa bàn huyện Cô Tô, các lực lượng Công an, Ban CHQS huyện, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương, ngành đoàn thể đã xây dựng được 12 “Tổ nhân dân tự quản về ANTT”. Hằng năm các Tổ đều tổ chức ký cam kết tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tham gia giữ gìn ANTT, nhìn chung các hộ dân đều thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT ở địa phương.
Anh Đinh Văn Khanh, khu 1, thị trấn Cô Tô, thành viên của Tổ tự quản ANTT thị trấn Cô Tô cho biết: Là ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên biển, ngoài việc chấp hành đúng quy định thì chúng tôi còn thường xuyên tham gia giữ gìn trật tự trên biển. Thấy tàu lạ vào khai thác trái phép vùng biển, chúng tôi sẽ thông tin cho bộ đội biên phòng để xử lý. Đồng thời, nắm bắt thông tin tình hình an ninh trên biển để thông tin cho lực lượng chức năng; chúng tôi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân không may gặp nạn trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực triển khai các dự án củng cố, nâng cấp, tăng cường năng lực phòng thủ cho các đảo tiền tiêu trong đó có các đường tuần tra, cơ động, bến cảng… tại đảo Trần, Thanh Lân, Cô Tô; tăng cường các phương tiện, lực lượng chiến đấu để đảm bảo sẵn sàng trong mọi tình huống, không bị động bất ngờ, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ sớm và phát huy đúng vai trò của các đảo là vành đai bảo vệ, là lá chắn và tiền đồn bảo vệ các eo biển, cửa biển, các đảo gần bờ và đất liền.
Trung tâm kết nối Trung Quốc - ASEAN
Quảng Ninh với đặc thù của tỉnh vùng biên nên có lợi thế phát triển dịch vụ thương mại và vận tải giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN; là nơi đa dạng hoá các nguồn tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, như cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho Quảng Tây, xây dựng các trung tâm sản xuất chế biến tại Móng Cái, Hải Hà, nâng cấp hạ tầng giải trí và du lịch... Đặc biệt, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy hoạch là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Theo đó, TP Móng Móng Cái và huyện Hải Hà tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Thành phố, xác định “Quy hoạch là đi trước - mở đường, lấy Quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển”; “Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, là chìa khóa thành công” để triển khai thực hiện hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; thực hiện có hiệu quả phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II, tiến tới đạt các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2030; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể.
Hạ tầng giao thông kết nối thương mại XNK của Móng Cái được đầu tư đồng bộ với đầy đủ 3 phương thức vận tải (đường bộ, đường sông và cảng biển) kết nối với 02 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, gồm: Hải Phòng - Hạ Long - Cửa khẩu Móng Cái - Cửa khẩu Đông Hưng - TP Phòng Thành Cảng. Lãnh đạo thành phố tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, tận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của khu vực biên giới cửa khẩu, nhất là tận dụng hiệu quả kết nối của tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế, tăng thu ngân sách để thành phố sớm “tự cân đối ngân sách” bền vững, phấn đấu Móng Cái đạt tiêu chí đô thị loại I trước 2030.
Năm 2024, Thành phố nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế. Móng Cái đã thành lập mới 225 doanh nghiệp, thu hút thêm 732 doanh nghiệp XNK, nâng tổng số doanh nghiệp làm thủ tục XNK trên địa bàn lên 1.312 doanh nghiệp. Kim ngạch XNK đạt 13,12 tỷ USD. Thu NSNN đứng đầu toàn tỉnh, đạt 5.067 tỷ đồng, vượt 4,1% so năm 2023. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (về đích sớm gần 1 năm, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt).
Trong chiến lược phát triển KT-XH, Hải Hà xác định phát triển trở thành hậu phương của trung tâm kết nối Trung Quốc - ASEAN.
Hải Hà tập trung phát triển kinh tế bền vững theo 3 vùng (vùng trung tâm tập trung nâng cấp chất lượng hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị trấn Quảng Hà; vùng miền núi gắn với các xã NTM phát triển nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh, khá giả; các xã vùng biển thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế biển với trọng tâm là dịch vụ - du lịch biển đảo chất lượng cao phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics); khai thác lợi thế của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào những dự án mang tính trọng điểm, chiến lược; nâng cấp cửa khẩu Bắc Phong Sinh là KKT cửa khẩu cấp quốc gia trên biên giới Việt - Trung. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người Hải Hà giàu bản sắc; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trở thành 2 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội huyện góp phần làm thay đổi không nhỏ diện mạo của huyện. Đến nay Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đã trở thành trung tâm công nghiệp dệt may lớn nhất khu vực miền Đông của tỉnh. Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh chuyển biến tích cực, trong năm chính quyền các cấp hai nước Việt Nam - Trung Quốc chính thức làm Lễ Công bố nâng cấp cửa khẩu Hoành Mô, Việt Nam - Động Trung, Trung Quốc lên thành cặp cửa khẩu song phương, bao gồm cả Lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc). Kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh ước đạt 53 triệu USD, tăng 6,67% so với năm 2023; thu phí hạ tầng cửa khẩu ước đạt 3,05 tỷ đồng, tăng 29,3% so với năm 2023.
Huyện đã tập trung thu hút đầu tư ngoài ngân sách để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện, trong năm đã thu hút được 4 doanh nghiệp vốn nước ngoài đầu tư trên địa bàn huyện, với số vốn đăng ký 427,83 triệu USD. Đến nay đã có 25 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư tại KCN Texhong, tổng vốn đầu tư đã đăng ký là 2.906 triệu USD; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đạt 64,48%.
Song hành với phát triển kinh tế, TP Móng Cái và huyện Hải Hà bám sát Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” cùng các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy liên quan an ninh quốc gia, công tác quốc phòng, quân sự, công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ động vào cuộc cùng các lực lượng bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng trên địa bàn; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Mùa xuân mới lại về trên quê hương Quảng Ninh, từ những nền tảng hiện nay của các địa phương vùng phên giậu Đông Bắc Tổ quốc sẽ góp phần vào hoàn thành mục tiêu tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Ý kiến ()