Tăng cường quản lý lễ hội xuân
Tết đến, Xuân về cũng là mùa của các lễ hội. Như một nét đẹp truyền thống dịp đầu xuân, người dân thường tham gia trẩy hội, tham quan, chiêm bái các danh lam, thắng cảnh, chùa chiền, di tích lịch sử... Mùa xuân Ất Tỵ 2025 này cũng vậy, cùng với các lễ hội trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo hoạt động vui xuân, lễ hội, sẵn sàng đón du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái.
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá với hàng trăm di tích, danh thắng, đền chùa trải khắp các địa phương, Quảng Ninh hiện có trên 60 lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm ở khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh, đa phần gắn với các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương... Mùa xuân cũng là mùa diễn ra nhiều lễ hội nhất tại Quảng Ninh, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, vãng cảnh, chiêm bái.
Những lễ hội xuân tiêu biểu ở Quảng Ninh phải kể đến: Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội xuân Ngọa Vân, Lễ hội Thái Miếu, Lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TP Đông Triều), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội chùa Lôi Âm (TP Hạ Long), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)..., cùng hàng chục lễ hội văn hoá truyền thống của người dân tộc thiểu số trải dài từ Đông Triều đến địa đầu biên giới Móng Cái. Trong đó, một trong những lễ hội nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm là Lễ hội xuân Yên Tử kéo dài trong 3 tháng mùa xuân gắn với hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ phật cùng các hoạt động vui chơi đặc sắc, hấp dẫn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 5672/BVHTTDL-VP đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý. Các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch; đảm bảo hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí…
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống bảo đảm tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội vui xuân đón Tết.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh cũng đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo các lễ hội xuân trên địa bàn diễn ra trang trọng, đúng nghi thức, loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, không để phát sinh phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, qua đó tạo không khí vui tươi, lành mạnh, cùng những chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống ấn tượng phục vụ người dân, du khách.
Một mùa lễ hội xuân chuẩn bị bắt đầu và sẽ kéo dài trong 3 tháng đầu năm âm lịch. Quảng Ninh đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện, quyết tâm tổ chức mùa lễ hội xuân Ất Tỵ 2025 thành công về mọi mặt.
Ý kiến ()