“Ba Chẽ bây giờ phú tại sơn lâm”
30 năm trước tôi đã đến đây và nêu vấn đề ở bài báo “Ba Chẽ bao giờ phú tại sơn lâm”. Câu hỏi đó cũng là điều mọi người đều mong muốn, giờ đã có câu trả lời bằng mắt thấy, tai nghe.
Cuối tháng 10 năm 2024, nhóm anh em khu phố chúng tôi về thăm Ba Chẽ, cũng là lần đầu theo lối đường mới xây dựng qua xã Đồng Sơn, TP Hạ Long tiếp sang xã Lương Mông, bây giờ là xã Lương Minh.
Đoàn chúng tôi năm người, đều đã nghỉ hưu, cùng “yêu Ba Chẽ” theo hoàn cảnh của mình. Người thì sinh ra ở Ba Chẽ, người tuổi trẻ đến đây lập nghiệp, người làm việc tại đây nhiều năm hoặc đã không ít lần tới Ba Chẽ công tác...
Ai cũng háo hức với chuyến đi nhiều cái mới. Ông Chu Văn Lạng, nguyên lái xe cơ quan Tỉnh ủy, quê xã Minh Cầm: “Từ 1/11 tới đây, xã Minh Cầm chúng tôi sáp nhập vào xã Lương Mông thành xã Lương Minh rồi”.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, công tác ở Ba Chẽ gần ba mươi năm: “Bây giờ những ngôi nhà mới ở Lương Mông khang trang chẳng kém các biệt thự ở TP Hạ Long đâu nhé. Thời tôi làm Bí thư Huyện ủy chưa bao giờ dám mơ như thế”. Nguyên giám đốc lâm trường Hồng Gai Khúc Văn Bài, người cả đời gắn bó với nghề rừng: “Rừng Ba Chẽ phong phú lắm. Tôi từng công tác ở Ba Chẽ gần chục năm thời bao cấp. Ngày ấy về Ty họp phải đi thuyền tới Cửa Ông mới đón được xe ô tô. Còn đi xe đạp thì qua được đèo Cái Kỳ đã nghẹt thở”.
Nhà báo Vũ Điều, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân Dân: “Nhớ nhất lần vào Ba Chẽ viết về ứng cử viên Đại biểu Quốc hội...”.
Còn với tôi, những kỷ niệm về Ba Chẽ lúc nào cũng như “mới ngày hôm qua”.
Nhớ lần ở Khe Giấy, xã Lương Mông, người dân chỉ tay phía ngọn đồi và bảo: “Phía bên kia là Hoành Bồ”. Giờ đây Hoành Bồ đã sáp nhập vào TP Hạ Long, và đã có con đường to đẹp từ bên đó sang đây.
Từ phường Hồng Hà, trung tâm TP Hạ long, vào phường Hoành Bồ, qua cầu Ba Tấn, qua các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Đồng Sơn, chúng tôi sang Khe Giấy, Lương Mông, của Ba Chẽ.
Ông Chu Văn Lạng lái xe 7 chỗ mới mua, dành chuyến xe xuất hành đầu tiên đưa những người bạn cùng khu phố về quê theo lối mới - con đường mới, quãng đường rút ngắn bằng một phần ba theo lối cũ. Ông Nguyễn Ngọc Minh rành rọt tuyến đường mới này. Ông người Cẩm Phả, năm 1983 tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp. Sau một năm nhận việc tại Sở Lâm nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông được chuyển công tác về Ban Kế hoạch của huyện và trở thành “người Ba Chẽ”, như ông tự nhận. Trên đường đi, ông kể về từng cánh rừng, khe suối, từng bản làng ở huyện này.
Tuyến đường mới tới Ba Chẽ với khung trời mới, niềm vui của chúng tôi bị chững lại khi chứng kiến những đồi cây trồng bị bão Yagi “chém” ngang gẫy gục. Những nỗ lực của con người luôn phải đối mặt với thiên tai. “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, rồi sẽ trở lại những cánh rừng thắm mắt khi ta lần nữa qua đây. Tôi chỉ biết mong thế, còn thực tế khi đã “trắng tay” để vực dậy thì vô cùng khó khăn.
Trong các chuyến đi công tác tới Ba Chẽ, lần tới Khe Giấy, Lương Mông luôn được tôi nhớ lại, kể lại, mỗi khi nhớ về nghề báo của mình. Đó là chuyến đi đầu năm 1994. Tôi đi nhờ xe ô tô công tác của huyện dọc theo tuyến đường 330, tới xã Đạp Thanh xe phải dừng lại, không thể đi tiếp, do đường quá xấu. Một cán bộ xã Đạp Thanh đánh vật với chiếc xe máy Minsk, vượt qua những “ổ trâu”, “ổ voi”, mới đưa tôi tới được trung tâm xã Lương Mông.
Tôi hỏi thăm tới được nhà Bí thư Đảng ủy xã Khúc Minh Tề, thì vợ bí thư nói ông đi ăn giỗ. Lang thang ở đường xã, tôi đã mua hết số trứng vịt của một quán hàng. Sau tôi mới biết người bán hàng là ông Vi Toàn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục của huyện. Số trứng đó tôi góp vào ăn bữa tối với hai cô giáo và một cháu bé ở khu tập thể trường học. Lúc đầu hai cô tưởng tôi là người đi buôn gỗ.
Ông Tề vốn là hiệu trưởng, từ khu tập thể giáo viên đi qua sân trường là tới nhà ông. Tối đó tôi ngủ ở nhà ông và sáng dậy sớm. Nhìn bếp đỏ lửa, tôi ra bờ giếng đánh răng, rửa mặt và thấy lông gà vương vãi. Sáng nay chắc ăn xôi với thịt gà đây. Tôi nghĩ thế và thầm mong giá là món bánh đa nấu nước luộc gà thì thích hơn. Ông Tề cũng đã dậy vệ sinh cá nhân tinh tơm. Ông nhìn tôi rồi nói: Xong chưa, chúng ta đi Khe Giấy.
Thế là không ăn sáng tại nhà, tôi và ông Tề đi bộ ra ngã ba thì dừng lại một quán tạp hóa. Lẽ nào vào đây để ăn cái gì đó. Tôi đang phân vân thì ông Tề đã mua xong hai bao thuốc lá. Hút hết một bao thì đi bộ tới Khe Giấy, ông Tề nói thế và tôi nhanh chóng đi bên ông. Quãng đường tới Khe Giấy tôi cảm thấy rất dài, nhưng ông Tề bảo chỉ khoảng 5km.
Công việc tìm hiểu để viết bài báo phản ánh điển hình trồng rừng ở Khe Giấy đến quá trưa mới xong, chúng tôi được mời cơm rượu. Vừa dứt bữa, ông Tề đã giục về “lúc nào mệt thì nghỉ”. Có chút rượu tôi hăng hái quên cả mệt. Khi về không ngược theo đường vào mà ông Tề dẫn qua những cánh rừng cảnh sắc thật sung mãn. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến rừng cây sau lá đỏ trong ánh chiều “sao mà tuyệt thế”. Ông Tề cũng ngất ngây với cảnh vật mà ông quen thuộc. Tôi nghĩ rằng ông giáo này cũng lãng mạn lắm đây.
Từ Lương Mông để về Hạ Long, thuận lợi nhất cho tôi là thẳng tỉnh lộ 330 sang huyện Sơn Động (Bắc Giang), cua vào Quốc lộ 279 để vòng về đèo Hạ My. Từ đây tôi xuôi xuống Hoành Bồ tiếp ra Hạ Long. Một thời ông Tề từ xã về huyện họp, do mưa lũ, cũng phải đi theo lối này, qua tỉnh Bắc Giang và các huyện, thị Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả.
Đưa tôi từ Lương Mông sang Sơn Động bằng xe máy là thầy giáo giới thiệu quê Nam Khê, Uông Bí. Tôi hỏi thầy đã biết về vụ cháy xăng ở Nam Khê chưa. Thầy nói đã biết rồi, tin đầu tiên nghe từ Đài BBC. Nói thêm ở đây: Vụ cháy xăng xảy ra ngày 2/11/1993 tại Nam Khê là một thảm họa lớn, làm chết cháy và bị thương rất nhiều người.
Đoàn chúng tôi qua Khe Giấy đến trung tâm xã Lương Mông được ông Khúc Minh Tề cùng các cán bộ xã tiếp đón. Ông Tề làm Bí thư xã Lương Mông nhiều khóa, làm Chủ tịch MTTQ huyện một khóa, trước khi nghỉ hưu ông làm Bí thư Đảng ủy xã Đạp Thanh.
Từ vị trí cổng trụ sở UBND xã Lương Mông mà mấy hôm nữa là xã Lương Minh, ông Tề chỉ tay giới thiệu đỉnh núi cao “đấy là đỉnh Đèo Giang, đỉnh tiếp giáp của ba tỉnh Quảng Ninh (Ba Chẽ), Bắc Giang (Sơn Động) và Lạng Sơn (Đình Lập). Lần công tác 30 năm trước tôi từng nghĩ cắt một ít đất của ba tỉnh này lập thành một huyện mới để đầu tư phát triển cho người dân đỡ khổ. Và nay thì không cần phải làm thế khi các tuyến tỉnh lộ 342 và 330 được đầu tư nâng cấp qua Ba Chẽ nối với hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Đấy là chưa kể Ba Chẽ không xa các lối lên cao tốc Hạ Long - Móng Cái cùng tỉnh lộ 329, Quốc lộ 279. Từ thế đường cùng, nay Ba Chẽ đã trở thành một trung tâm giao thông của Quảng Ninh. Các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn vì thế cũng gần biển hơn.
Cũng từ vị trí cổng trụ sở UBND xã, nhìn ra phía trước là công trường xây dựng chợ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Đây là những công trình mới cho xã mới Lương Minh. Một cán bộ xã nói: Chợ vùng cao của chúng tôi rồi sẽ đông vui như chợ Bắc Hà ở tỉnh Lào Cai. Du khách đến Hạ Long rồi tiếp tục tới đây cũng dễ dàng. Nói đến hội tụ, một cán bộ xã cho biết có hộ gia đình trước đây di cư vào Tây Nguyên, giờ đã quay trở lại quê nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Minh dẫn mọi người tham quan nhà văn hóa xã Lương Mông to đẹp như nhà văn hóa huyện ở phía sau trụ sở UBND xã. Trường học của xã có cả khu nội trú cho học sinh phía sau khu giảng đường. Chợ hiện tại cũng rất lớn và từng có đám cưới được tổ chức tại chợ này. Hướng dẫn cho chúng tôi tham quan, ông Minh như sống lại một thời tâm huyết sôi nổi với vùng đất này.
Chúng tôi tới thăm đình Đồng Chức, hồ Khe Lừa dưới chân Đèo Giang khi gần trưa, trời nắng trong xanh. Lễ hội đình Đồng Chức được tổ chức vào đầu xuân gắn với hội Lồng tồng (Xuống đồng) thỏa mãn đời sống văn hóa tâm linh cho người dân cả vùng. Hồ Khe Lừa hoàn thành năm 2021, là công trình kỷ niệm 75 năm thành lập huyện Ba Chẽ, cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm. Có nước, cây trồng sẽ được đổi khác. Những đổi khác như Sơn La là “vựa trái cây”, biến điều không thể thành có thể... đang trong dự cảm của cán bộ nơi đây.
Bữa cơm trưa các món đặc sản rừng ở trung tâm xã Lương Mông chủ và khách hơn chục người. Chủ nhà có cả cán bộ xã Lương Mông và xã Minh Cầm. Nói theo ông Nguyễn Ngọc Minh thì “đây đều là các cán bộ chủ chốt của xã Lương Minh”. Sau chén rượu mời, quan hệ công tác, đồng hương, bạn bè thân quen được giới thiệu, chuyện xưa được nhắc lại, chuyện tới được hẹn hò.
Tôi nhắc lại chuyện mua trứng quán ông Vi Toàn, mọi người bảo ông giờ vẫn khỏe, con trai Vi Văn Diễn của ông đang là cán bộ xã. Tôi không nhớ ra tên thầy giáo quê Nam Khê, Uông Bí đã lái xe máy đưa tôi sang Sơn Động. Mọi người ồ lên “Thầy Phong”, Nguyễn Thái Phong. Thầy Phong dạy học ở Lương Mông từ cuối năm 1992, đến đầu năm 2006 làm Bí thư Đảng ủy xã. Giờ thầy làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy.
Rồi ông Khúc Văn Bài với Khúc Minh Tề nói về dòng họ Khúc. Hóa ra ông Khúc Minh Tề không phải người gốc ở Ba Chẽ, mà bố ông từ Nam Định đi hoạt động cách mạng rồi ở lại đây.
Không riêng bố ông Khúc Minh Tề, trong kháng chiến chống Pháp nhiều cán bộ đã tới Ba Chẽ hoạt động.
Bà Trịnh Thanh Hoa, bạn cùng học báo chí với tôi quê tỉnh Bắc Giang nhờ tìm thông tin về người cha Trần Quốc Hoàn (tên thật Trịnh Đình Tĩnh) “từng hoạt động ở tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp”. Tôi đã hỏi nhiều năm mà không được, rồi chính bà Hoa đã tìm thấy chi tiết “làm Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ” trong hồi ký của cha mình: “Tháng tám năm 1948, tôi lại được điều ra tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh) làm Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ. Chính tại nơi đây tôi đã dùng lại những bài thuốc của người Mán ngày nào chữa cho một Bí thư xã thuộc huyện Ba Chẽ. Được hai năm gắn bó với đồng bào, nhân dân Ba Chẽ, tôi mắc bệnh sốt rét trầm trọng, lãnh đạo tỉnh Hải Ninh quyết định đưa tôi trở về khu Việt Bắc điều trị”. Trong sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Ba Chẽ (1947-2013), tại mục “Danh sách Bí thư Huyện ủy qua các thời kỳ” có ghi tên ông Trần Quốc Hoàn, là Bí thư Huyện ủy thứ ba, thời gian từ 10/1948 đến 6/1949. Bà Hoa luôn nhắc với tôi: “Thể nào cũng có dịp chị về Ba Chẽ thăm lại nơi bố chị từng công tác”.
Trở lại thăm Ba Chẽ không chỉ tìm lại ký ức mà vui mừng về một vùng đất đang đổi mới, từ những cung đường mới, không gian mới, đến những sản phẩm mới từ rừng.
Rời Lương Mông, chúng tôi trên xe bon bon về trung tâm huyện. Anh Chu Văn Lạng rẽ xe về thôn để giới thiệu khung cảnh làng quê với chúng tôi. Con đường từ trung tâm xã đến các thôn khang trang không kém miền xuôi. Bí thư Huyện ủy Vũ Thành Long tâm đắc nói về việc hoàn thành nâng cấp các tuyến đường trục các thôn lên tiêu chuẩn hai làn xe, khi dành thời gian tiếp chúng tôi.
Ba Chẽ đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Quảng Ninh có đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và Ba Chẽ là địa phương đi đầu trong thực hiện. Ba Chẽ đã có được những sản phẩm OCOP nổi tiếng như trà hoa vàng, ba kích, nấm lim, măng mai...
Hai ông Khúc Văn Bài và Vũ Điều quan tâm việc thực hiện trồng rừng gỗ lớn của huyện, đã trao đổi với Bí thư Huyện ủy. Thâm canh kinh doanh rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây dược liệu, là hướng phát triển bền vững, ổn định đời sống cho người dân. Như vậy, mới thực sự “rừng là vàng” của hôm nay và của cả mai sau. Tôi nhớ, ông Nguyễn Xuân Ký khi đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy đã say sưa nói về Ba Chẽ trồng cây gỗ lớn gồm lim, lát, giổi, thông... “mong các nhà văn, nhà báo tới phản ánh”.
Lần đầu tiên tôi biết “huyện Ba Chẽ” vào năm 1987, khi tôi được Sở Giáo dục phân công về Hoành Bồ, còn bạn tôi, thầy Đặng Thế Cần được phân công về huyện Ba Chẽ. Giờ thì vèo một cái có thể thăm nhau, nhưng ngày ấy phải dăm năm sau mới tình cờ lần đầu gặp lại ở bến phà Bãi Cháy. Thầy Cần ngày hè về quê và mang theo mấy chai mật ong...
Thầy Cần dạy học làm đến Trưởng phòng Giáo dục rồi lại sang làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Quả là đất thơm cò đậu, đến đây thì ở lại đây. Không cần phải thực hiện chính sách “kinh tế mới’, Ba Chẽ cũng như nhiều địa phương khác của Quảng Ninh là nơi thu hút nhiều người từ các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ đến sinh sống, lập nghiệp và giờ coi đây là quê hương.
Nhớ lại chuyến đi đầu tiên vào Ba Chẽ, tối hôm trước tôi và đồng nghiệp tới nhà ông Nhuần, lái xe khách, để “đặt chỗ”, hẹn giờ, địa điểm đón xe. Hạ Long vào Ba Chẽ mà xe chùng chình, đến Cửa Ông cũng phải nghỉ, già nửa ngày mới tới nơi. Nay Ba Chẽ đã đổi mới, Quảng Ninh đã đổi mới, đất nước đã đổi mới. Nhắc lại những chuyện của 30 năm trước để thấy chúng ta đã từng vượt khó như thế nào và trân trọng hơn những gì có được hôm nay.
Sau chuyến đi của chúng tôi, ngày 1/11/2024, huyện Ba Chẽ long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập xã Lương Minh trên cơ sở sáp nhập xã Minh Cầm vào xã Lương Mông. Sau sáp nhập, huyện Ba Chẽ có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 1 thị trấn, với 66 thôn, khe bản, khu phố. Dân số toàn huyện 23.517 người (tính đến hết ngày 31/12/2022 theo số liệu thống kê của huyện), 80,3% là dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái).
Ba Chẽ đang hoàn thành giai đoạn 2 hạ tầng Cụm công nghiệp Nam Sơn và hình thành Cụm công nghiệp Thanh Lâm 1. Năm 2024 huyện đã thu hút đầu tư dự án Nhà máy chế biến quế tại xã Đồn Đạc quy mô 40 tỷ đồng. Đây là nền tảng mới để Ba Chẽ tiếp tục vươn lên.
Với vị trí giáp hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, giáp hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, giáp huyện Tiên Yên, cùng với các tuyến giao thông được khai mở, Ba Chẽ có địa thế “cửa ngõ”, “hội tụ” cho cả vùng Quảng Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn. Vì thế phát triển của Ba Chẽ cần được gắn với phát triển chung cả vùng để biến vị thế thành giá trị kinh tế - văn hóa.
Khi mong muốn xây dựng chợ Lương Mông như chợ Bắc Hà là người nói đã mơ ước, tính đến sức quy tụ cả một vùng tam giác Quảng Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn. Tôi đã đến Bắc Hà, từng mời nữ du khách người Úc cùng thưởng thức món thắng cố ở chợ, nghe được chuyện mận tam hoa nơi đây có gốc ở Hoành Bồ. Những chắp nối, liên kết tự nó nảy sinh cùng mở ra các cơ hội... Kỷ niệm về Ba Chẽ rồi sẽ được kể như thế, ở đâu đó, trên đất nước ta...
Sau 30 năm bài báo “Ba Chẽ bao giờ phú tại sơn lâm”, tôi cũng không ngờ chính mình lại được viết bài báo này: “Ba Chẽ bây giờ phú tại sơn lâm”.
Hạ Long, Xuân 2025
Ý kiến ()