Xuống đồng ngày xuân
Mùa xuân không chỉ là mùa đầu tiên trong năm, mà đó còn là khi đất trời chuyển mình, khoác lên người bộ áo mới ấm áp đến kì diệu, cây cối đâm chồi nảy lộc. Sau những giây phút sum vầy bên mâm cỗ, đầm ấm bên gia đình hay đón giao thừa với những cầu mong cho một năm mới bình an, người nông dân lại hân hoan xuống đồng, bắt tay vào vụ mùa mới. Khắp các cánh đồng không khí nhộn nhịp, hối hả, tất bật. Khí thế lao động trong những ngày đầu năm mới khởi đầu cho một năm cày cấy, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Vui xuân mới không quên đồng ruộng
Rét cứ rét. Lạnh cứ lạnh. Như thể xuân qua, hè tới, thu sang, đông về. Vòng quay một năm chẳng thể đổi khác. Người nông dân cũng thế, đến vụ trồng cấy thì xuống đồng. Dù trong những ngôi nhà bài hát của mùa xuân vẫn vang lên thì trên nhiều cánh đồng ở các miền quê, người nông dân vẫn “chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non”. Những dáng người lom khom trồng cấy, cặm cụi, cần mẫn trên ruộng đồng. Quanh năm “chân lấm, tay bùn”, đến mấy ngày Tết theo lẽ thông thường mà nghỉ cho thảnh thơi nhưng cuối cùng vẫn cứ lấy cây lúa, luống rau làm niềm vui xuân mới.
Đồng đất Quảng Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây rau màu. Thời gian qua, địa phương này đặc biệt chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng thâm canh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Vì thế, Quảng Yên được “mệnh danh” là vựa rau lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Đi trên những con đường quanh thị xã thật không khó để thấy hình ảnh những dáng người lom khom như những dấu hỏi trên ruộng đồng ngay từ những ngày đầu năm mới. Người thì tất bật thu hái, người vệ sinh đồng ruộng, người đang tích cực chăm bón luống rau màu. Khác với lúa, các loại rau màu cần có bàn tay chăm tưới tỷ mỷ, cẩn thận hàng ngày, nên vừa đón xuân, vừa sản xuất đã trở thành việc “thường ngày” của người trồng rau nơi đây. Với họ, niềm vui lớn nhất đó là có được vụ rau màu tốt tươi, được mùa, được giá. Vụ xuân năm nay toàn thị xã phấn đấu gieo trồng trên 1.400ha cây rau màu. Nhìn những cánh đồng rau tươi tốt với đủ loại xà lách, bắp cải, su hào, hành, rau mùi, cà chua… ít ai nghĩ được rằng chính nơi đây đã từng hoang tàn đến ngỡ ngàng sau cơn bão số 3. Sự tươi tốt của cánh đồng rau nơi đây được tạo nên bởi ý chí, quyết tâm và nỗ lực của người nông dân.
Chị Ngô Thị Phương, thôn Bãi 2, xã Tiền An, TX Quảng Yên chia sẻ: Gia đình tôi là một trong số hộ dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 lịch sử khiến toàn bộ 8 sào trồng rau màu bị hư hỏng. Ngay sau bão, gia đình tôi đã bắt tay vào khôi phục giàn bị hư hỏng, xuống giống một số loại cây rau vụ đông xuân, chăm sóc diện tích rau húng còn lại. “Ơn trời, ơn đất, ơn cây” nên gia đình đã sớm khôi phục lại được ruộng rau tươi tốt, mang lại nguồn thu ổn định, đời sống được đảm bảo.
Để đảm bảo kịp thời vụ, hòa cùng không khí hối hả của những ngày trước Tết, người dân TX Quảng Yên cũng đã gieo mạ, cấy tập trung đối với diện tích lúa xuân sớm. Đồng thời, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, bừa đất, ngâm ủ đất, san mặt ruộng… sẵn sàng cho vụ xuân muộn. Vì vậy, ngay sau Tết, gác lại niềm vui của những ngày sum vầy đầu xuân, người dân TX Quảng Yên lại sớm bắt tay vào cấy lúa và gieo sạ những trà lúa xuân muộn với các giống như: TBR225, RVT, Đài thơm, BC15… Đây là nhóm giống cho sức đề kháng tốt, năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất. Vụ chiêm xuân này, TX Quảng Yên gieo cấy lúa 2.789ha với sản lượng thóc dự kiến đạt 16.877 tấn.
Chị Dương Thị Lán, thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, TX Quảng Yên cho biết: Ngay sau những ngày Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân ra đồng chăm sóc lúa, tiến hành bón phân, sục bùn, chắm dặm, đảm bảo mật độ cho cây lúa xuân sớm phát triển với quyết tâm để có vụ lúa bội thu. Nhờ gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn xã phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh. Bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, bà con nông dân ra đồng làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc cho cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh, thực hiện các biện pháp bảo vệ cây lúa.
Không chỉ gieo trồng cho vụ mới hứa hẹn nhiều thắng lợi, cùng với nhiều địa phương khác, ngay từ mùng 5 Tết Nguyên đán, trên nhiều cánh đồng trồng khoai tây Atlantic ở TP Đông Triều, nông dân đã tất bật xuống đồng thu hoạch nông sản. Những lo lắng trước thời tiết diễn biến không thuận lợi lúc đầu vụ giờ đây đã nhường lại cho những ánh mắt lấp lánh, nụ cười thu hoạch, gương mặt rạng ngời của một vụ mùa bội thu được tạo nên bởi chính sự chủ động chăm sóc, ứng dụng kỹ thuật sản xuất của người nông dân ‘"một nắng hai sương". Niềm vui của ngay những ngày đầu năm mới hứa hẹn cho một năm “nông nhàn”. Nhiều năm qua, khoai tây Atlantic là cây vụ Đông cho giá trị kinh tế cao. Được biết, năm nay, diện tích trồng khoai Atlantic trên địa bàn TP Đông Triều đạt 120ha với sản lượng gần 2.000 tấn.
Vừa thu hoạch những củ khoai tây to, tròn, căng bóng, anh Nguyễn Quang Thành, khu Bình Sơn Đông, phường Bình Dương, TP Đông Triều phấn khởi chia sẻ: Khoai tây Atlantic rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất pha cát nên cho củ to, chất lượng tốt, đều, mẫu mã đẹp, không bị nứt, năng suất cao. Những năm qua, khoai tây Atlantic đều được Viện sinh học nông nghiệp và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina Hàn Quốc tiến hành thu mua sản phẩm nên đầu ra đảm bảo, giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục duy trì trồng 6ha khoai Atlantic cho thu hoạch khoảng 13 tạ củ. Gia đình đã ra đồng khai xuân từ mùng 5 Tết nên sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích khoai vào mùng 9 âm lịch. Gia đình tôi rất phấn khởi, với số tiền sau thu hoạch, gia đình sẽ đầu tư tái sản xuất, cùng với đó là sắm sửa vật dụng thiết yếu thêm cho gia đình, đảm bảo cuộc sống đầy đủ hơn.
Vui hội xuống đồng
Xuống đồng ngày xuân không chỉ là hoạt động sản xuất đầu năm tạo khí thế thi đua sản xuất hay khởi đầu cho một vụ mới của bà con nông dân với mong muốn mùa màng bội thu, mà còn là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của văn hóa trồng lúa nước. Tại Quảng Ninh, nếu như đồng bào Kinh ở TX Quảng Yên có hội xuống đồng vào tháng 6 âm lịch thì đồng bào khu vực miền Đông của tỉnh có hội xuống đồng ngay từ đầu năm.
Vào độ 20-21 tháng Giêng âm lịch, bà con dân tộc Tày xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ lại nô nức tham gia lễ hội Lồng Tồng. Lồng Tồng có nghĩa là hội xuống đồng để tạ ơn trời đất, thần linh, cũng như cầu xin che chở cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, no ấm, vạn vật sinh sôi. Lễ hội không chỉ là hoạt động văn hóa gắn liền với phong tục xuống đồng đầu năm, mà còn là một dạng thức văn hóa nguyên hợp phản ánh ước muốn của cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu xuân mới.
Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động gắn liền với sản xuất nông nghiệp như: Lễ rước long ngai (rước thần nông và thành hoàng làng), lễ cầu mùa, cuốc hố tra hạt, cấy lúa ruộng, cấy lúa nương… Không giống các lễ hội khác, Lễ hội Lồng Tồng còn có nghi thức cày tịch điền và phần thi cày giữa các đội. Các tay cày giỏi nhất được tuyển chọn từ các thôn về dự thi đã thể hiện những đường cày sâu, thẳng hàng và đúng kỹ thuật. Cày ruộng và gieo trồng hoa màu khẳng định quyết tâm của bà con trong việc phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Cùng với không khí phấn khởi sản xuất đầu năm, bà con nhân dân các thôn còn được hòa mình trong các hoạt động náo nhiệt, nô nức, rộn ràng của các trò chơi như: Đẩy gậy, kéo co, giao hữu bóng chuyền hơi, đi cà kheo, bịt mắt đập bóng, đánh cừ… hay tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu, các sản phẩm OCOP của huyện.
Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức hàng năm không chỉ thu hút bà con nhân dân, mà còn du khách trong và ngoài tỉnh tham gia tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Hội Lồng Tồng khép lại cũng là lúc mở ra một quá trình lao động sản xuất mới với niềm tin và động lực mạnh mẽ vào mùa màng tươi tốt, tạo ra của cải vật chất, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, hội Lồng Tồng không còn của riêng đồng bào Tày mà đã trở thành ngày hội chung, nơi quy tụ bản sắc văn hóa các dân tộc… Bởi vậy, đến Lương Mông dự lễ hội Lồng Tồng, du khách được hòa mình vào trong không gian của lễ hội, để có thêm niềm tin và động lực trong lao động, sản xuất và công tác.
Ngoài lễ hội Lồng Tồng (xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ), trên địa bàn tỉnh còn nhiều lễ hội xuống đồng mang đậm bản sắc văn hóa được tổ chức hàng năm như: Lễ hội Đồng Đình (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên), Lễ hội đình làng Dạ (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ)… Các lễ hội này đều có hoạt động tôn vinh sự lao động chịu khó, cần cù của người dân trong phát triển nông, lâm nghiệp. Đến các lễ hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy các cuộc thi tôn vinh lao động sản xuất như: Thi cầy, thi cấy, thi cuốc hố tra hạt, thi đan sọt…
Trong dịp đầu xuân, nhiều địa phương cũng tổ chức lễ xuống đồng nhằm thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với các vị thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no, đồng thời là lễ để nhân dân bước vào gieo trồng cho mùa vụ mới.
Khắp những cánh đồng ngày đầu năm mới, không khí lao động của người dân đã rộn ràng. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng máy làm đất tạo nên không khí lao động khẩn trương. Tinh thần lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân Ất Tỵ của bà con nhân dân là tín hiệu đáng mừng để ngành nông nghiệp nói riêng và Quảng Ninh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025.
Ý kiến ()