Vũ điệu chân trần trên than hồng
Hình ảnh những nghệ nhân với đôi chân trần bình thản đi trên than hồng thậm chí còn nhảy múa vui đùa đã không còn xa lạ trong các lễ hội của dân tộc Dao, dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh. Nghi thức nhảy lửa thường diễn ra trong các lễ hội vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch đến rằm tháng Giêng. Đây là thời điểm được cho là khi thiên nhiên giao hoà thích hợp cho việc cảm tạ trời đất vì đã cho họ vụ mùa bội thu. Thông qua lễ hội, người dân cầu mong vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và ngọn lửa sẽ mang đến may mắn, đoàn kết, xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông hoặc là cái lạnh lẽo của mưa phùn gió rét đầu năm. Nhảy lửa để mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Chân trần trên than nóng
Nhảy lửa là nghi lễ được nhân dân, du khách mong chờ nhất trong khuôn khổ Lễ hội Bàn Vương, huyện Ba Chẽ. Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương nhằm bảo vệ gia đình, dòng họ, bản làng, cầu mong bình an và mùa màng bội thu, đồng thời làm minh chứng cho sức mạnh của con người trong quá trình lao động, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Để có thể nhảy lửa, người ta chuẩn bị một khoảng sân rộng. Thanh niên trong bản làng tập trung củi mang về xếp lên nhau để đêm nhóm lên như kiểu lửa trại. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì miễn là gỗ có nguồn gốc sạch sẽ và chỉ đốt trong một lần. Tuy nhiên, người ta thường chọn các loài cây gỗ lớn, khi cháy than sẽ đượm và lâu tàn. Một số nơi có điều kiện kinh tế hơn và để cho lửa bén nhanh người ta mua than hoa về dùng. Điều quan trọng ngọn lửa phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Theo quan niệm, đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa.
Thành viên tham gia nhảy lửa có khoảng từ 8 đến 10 người, là trước đây những thanh niên khỏe mạnh trong bản và họ coi việc nhảy vào lửa như là trải qua quá trình cấp sắc để chính thức được công nhận trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay người nhảy lửa chỉ có thể là các thầy cúng. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút rồi ra. Người nhảy lửa quan niệm rằng, thời gian chơi với lửa hay đi trên than hồng ngắn dài khác nhau là tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, thì sẽ tự động bị đẩy ra khỏi đống lửa. Nhiều người trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ những nguồn sức mạnh mới.
Những người khác thì tiếp tục nhảy lửa sau khi đã làm lễ “nhập đồng”. Khi đã có cảm giác thăng hoa kiểu lên đồng rồi thì một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần.
Thậm chí có người vừa nhảy vừa dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy. Những người tham gia nhảy lửa còn dùng cả tay và chân trần để phá đống than đỏ rực cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Những cục than hồng bay lên trong không trung. Tàn tro tung toé ra xung quanh phát sáng như ánh pháo hoa trong đêm đen tạo cảm giác huyền hoặc.
Bà con dân tộc và du khách đứng xung quanh dường như cũng muốn nhún nhảy theo tiếng trống. Lễ nhảy lửa đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả những người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình như có thêm sức mạnh, có thêm niềm hứng khởi vui sống yêu đời hơn. Đây là nghi lễ mới được phục dựng. Lễ nhảy lửa thường sẽ do các nghệ nhân là thầy mo người Dao Thanh Phán trình diễn, người dân và du khách chỉ thưởng lãm chứ không trực tiếp tham gia. Tiết mục này đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm lâu năm mới làm được.
Cùng với dân tộc Dao, người Sán Dìu Quảng Ninh cũng có tục nhảy lửa. Nhảy lửa xuất hiện trong lễ Đại phan (nghĩa là cơm lớn, một lễ hội mừng cơm mới), người Sán Dìu gọi là lội than và coi đó như là nghi lễ rửa tội. Trong lễ đại phan của đồng bào Sán Dìu ở xã Bình Dân (huyện Vân Đồn), xã Hải Hoà (TP Cẩm Phả) và xã Thống Nhất (TP Hạ Long) đều đã thực hiện nghi lễ lội than.
Vào buổi chiều muộn, trước ngày hội chính, tại sân tổ chức lễ hội người ta sẽ đốt sẵn một đống than củi lớn. Trong quan niệm của người Sán Dìu, lửa là của thần linh, có thể đốt cháy vạn vật. Theo tục lệ của một số dân tộc, thân thể con người khi chết đi được hỏa táng, mọi tội lỗi ở cõi trần gian sẽ được rũ bỏ để về với cõi vĩnh hằng.
Sau khi các thầy cúng đốt củi lấy tro than trải ra thành một quãng đường dài 4 thước (khoảng 6,5m), thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức lội than này trước. Những người trong làng muốn đi qua than hồng phải lần lượt đi chân trần nhúng vào một chậu nước có màu xanh mới được phép qua đường than ấy. Họ coi đó là cách để thanh lọc tâm tư, trút bỏ phiền muộn như một cách rửa tội như nghi thức bên nhà thờ Công giáo.
Người Sán Dìu coi việc đi trên lửa cũng là để đốt hết mọi tội lỗi của mình đã phạm trên đời. Đó là lý do giải thích vì sao nghi lễ đi trên than hồng thường tổ chức vào ban đêm, khi trời đất giao hòa chỉ một màu, đó cũng là lúc trời đất cùng chứng giám mọi tội lỗi tiêu tan cùng với ánh lửa.
Tại xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, bắt đầu từ năm 2008, Lễ hội Đại phan được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn. Cũng từ đó, cộng đồng dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh tổ chức Lễ hội Đại phan nhiều hơn. Trong lễ hội không thể thiếu được nghi lễ lội than, nhảy lửa. Lễ nhảy lửa có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, góp phần hun đúc nên tâm hồn, tính cách con người, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với mọi khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.
Độc đáo và huyền bí
Trong thế giới quan của mình, bà con các dân tộc Dao, dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh đều tin rằng xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với họ, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.
So với nhiều nghi lễ khác thì nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng. Có khi người ta không cần mâm lễ thịnh soạn có rượu, có thịt gà, thịt lợn… mà chỉ đơn giản là một bát nước lã để trên bàn thờ. Vật phẩm dâng thần khá đơn giản còn khoa cúng cũng khá ngắn gọn với các bài cúng lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản... mới mời được thần về. Đặc biệt thầy cúng phải giữ cho thân tâm thanh tịnh, trước đó vài ngày phải kiêng cữ, không được phép gần gũi với phụ nữ.
Những người nhảy lửa hay lội than luôn tâm niệm rằng họ được thần linh chấp nhận. Vì thế cho nên họ có đi trên than hồng thì da thịt hoàn toàn không có vết bỏng. Thậm chí, còn bị than vung vãi bắn vào mà quần áo, tóc cũng không có một vệt cháy xém nào. Trong khi những người xem xung quanh khi bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ.
Ngoài Quảng Ninh, nhảy lửa cũng là một nghi lễ truyền thống của người dân tộc ở các địa phương khác như người Pà Thẻn ở Tuyên Quang, Hà Giang; người Dao đỏ ở Hà Giang, Lào Cai... Trong số này, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có 2 lần được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lần 1, di sản này đã được công nhận ở lĩnh vực lễ hội truyền thống do cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang thực hành (văn bản số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012). Lần thứ 2 là vào đầu tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình), tỉnh Tuyên Quang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu sâu nào về tục nhảy lửa, lội than của các dân tộc ở Quảng Ninh, cũng chưa biết mối liên quan giữa tập tục nhảy lửa, lội than của người Dao, người Sán Dìu ở Quảng Ninh với người Pà Thẻn, người Dao đỏ ở các nơi khác. Tuy nhiên, tập tục nhảy lửa ở các nơi đều có chung ý nghĩa tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật. Theo quan niệm của người nhảy lửa, để có sự phù hộ của thần linh thì những nghệ nhân nhảy lửa phải tâm sáng, lòng thành, cũng phải được rèn luyện, hỗ trợ từ những người đi trước.
Nghệ nhân dân gian Triệu Thanh Xuân, ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: "Nghi lễ nhảy lửa ít nhất phải có 4 người tham gia. Những người tham gia phải được luyện tập để đi chân trần trên than đỏ lửa. Cá nhân tôi đã làm nghi lễ này 4 lần. Đây là nghi lễ mang tính tâm linh do những nghệ nhân hoặc người được rèn luyện mới thực hiện được. Tôi mong các bạn nhỏ không nên vì tò mò mà tự làm theo".
Nghi lễ nhảy lửa được thực hiện trong đêm tối và dù nó mang màu sắc huyền bí tâm linh nhưng vẫn thiên về phần hội hơn phần lễ. Lễ nhảy lửa cũng là dịp để đồng bào tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng làng bản thêm bền chặt. Đây chính là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc có tác dụng tạo niềm tin, khơi dậy sức mạnh nội sinh đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần xây dựng quê hương đất nước, đồng thời có thể khai thác để thu hút khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa các dân tộc Quảng Ninh.
Ý kiến ()