Tích cực chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang tích cực triển khai. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, Quảng Ninh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số để các chủ thể, đặc biệt là người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.
Đến nay, 13 địa phương, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đã thành lập ban chỉ đạo do người đứng đầu làm trưởng ban. 13 địa phương đã ban hành kế hoạch, thành lập 1.421 tổ công nghệ số cộng đồng bao phủ 173/177 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của 10.411 thành viên.
Các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai, sử dụng các chức năng trình ký văn bản điện tử, tạo lập hồ sơ công việc, ký số văn bản điện tử trên hệ thống chính quyền điện tử; đồng thời rà soát, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp bổ sung chữ ký số, thay đổi thông tin chứng thư số. Đến hết quý I/2022, toàn tỉnh đã có 10.410 chữ ký số được cấp phát, trong đó có 2.127 chữ ký số cơ quan, 8.630 chữ ký số cá nhân.
Về kinh tế số, hiện toàn tỉnh đã có 177/267 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; đưa thông tin của 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Mới đây, nhằm xây dựng một nền hành chính công ngày càng hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Quảng Ninh chính thức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Với hệ thống này, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính ở 5 bước trong quy trình, từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số đến trả kết quả, được số hóa, lưu trữ và có thể tái sử dụng. Hiện tất cả lãnh đạo cấp phòng và chuyên viên trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành liên quan đã và đang được tập huấn, thực hành kỹ năng để sẵn sàng triển khai sử dụng hệ thống trong thực tế.
Cùng với việc thử nghiệm hệ thống số hóa và bóc tách dữ liệu, thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, an toàn thông tin; đồng thời cấu trúc lại trình tự, chuẩn hóa về dung lượng dữ liệu hồ sơ để thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đối với các địa phương cũng đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh trên nhiều lĩnh vực như thủ tục hành chính, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Như TP Hạ Long vừa triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó tạo thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, giảm bớt chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả giám sát quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của TP Hạ Long. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, 99% số thu ngân sách nhà nước, 100% số tiền học phí của cơ sở giáo dục và trường học trên địa bàn được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt…
Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Xác định rõ điều này, Quảng Ninh đang tích cực, quyết tâm triển khai đồng bộ từ cơ sở đến tỉnh. Và để đạt được mục tiêu đề ra trong chuyển đổi số rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, cũng như sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()