
Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Trong thời gian qua, để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và có hiệu quả, các địa phương đã chỉ đạo, triển khai nghiêm túc gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Các địa phương đã chú trọng thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung. Hình thức công khai đa dạng như thông qua trưởng thôn, khu để thông báo đến nhân dân, thông qua hoạt động tiếp công dân và tiếp xúc cử tri, các hội nghị trao đổi, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, phát tin trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã đến tận thôn, khu...
Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân, đưa nội dung cần xin ý kiến về tổ dân, thôn, bản, khu phố để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; đề án thành lập, giải thể, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính… Điển hình như trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội được các cấp ngành đặc biệt quan tâm triển khai; đảng viên, CBCCVC, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã bày tỏ sự đoàn kết, thống nhất, ủng hộ rất cao với tỷ lệ 99,31% so với tổng số cử tri và 99,53% so với tổng số phiếu phát ra. Kết quả này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của cử tri và nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025.
Ông Đặng Ngọc Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, cho biết: Quyền làm chủ của nhân dân còn được phát huy tốt trong thực hiện nội dung để nhân dân bàn, quyết định về các phương án, kế hoạch, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức; nội dung quy ước của cộng đồng dân cư... Nhờ công khai, dân chủ, nhiều công trình công cộng, dân sinh trên địa bàn khi triển khai luôn được nhân dân đồng thuận ủng hộ cao như Dự án đường nối tỉnh lộ 331B với 338; việc mở rộng tuyến ngõ 71, đường Văn Miếu; đường Lê Thánh Tông...

Quyền giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) hoặc gián tiếp thực hiện sự giám sát của mình thông qua hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 233 Ban GSĐTCCĐ, thực hiện nhiều cuộc giám sát, phát hiện kiến nghị xử lý kịp thời, tiêu biểu tại TP Uông Bí nay là các phường Yên Tử, Vàng Danh, Uông Bí, các Ban GSĐTCCĐ đã giám sát 30 công trình gồm sửa chữa nhà văn hóa, nâng cấp đường… qua đó, phát hiện một số bất cập, tồn tại, kịp thời kiến nghị nâng cao chất lượng, tiến độ công trình.
Các địa phương tiếp tục duy trì hiệu quả hội nghị giao ban, đối thoại giữa Ban Thường vụ cấp ủy với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận; phát huy hiệu quả thông tin “hai chiều” thông qua đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố trong nắm, phản ánh tình hình nhân dân và việc triển khai thực hiện chủ trương, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, địa phương ở địa bàn cơ sở; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân. Qua đó, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả tích cực; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Ý kiến ()