
Đón chờ những vận hội mới
Quảng Ninh đang đứng trước những vận hội mới đầy hứa hẹn sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã) kể từ ngày 1/7/2025. Đây là một bước đi đột phá, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ của tỉnh, hướng tới xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn.
Việc vận hành chính quyền 2 cấp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích và tạo ra những vận hội mới cho Quảng Ninh. Trong đó việc loại bỏ cấp huyện giúp giảm đáng kể đầu mối, tầng nấc hành chính, từ đó giảm chi phí hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Ông Đặng Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong, cho biết: KCN Bắc Tiền Phong thuộc Tổ hợp KCN Deep C, quy mô 1.200ha, trước đây nằm trên địa giới của 4 xã, phường. Sau điều chỉnh địa giới hành chính, KCN chỉ còn trên địa bàn 2 phường, trong đó Liên Hòa chiếm phần lớn diện tích. Đây là điều kiện thuận lợi để việc phối hợp, giải quyết TTHC giữa doanh nghiệp và địa phương nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tôi kỳ vọng, với bộ máy chính quyền mới được tổ chức khoa học, phân cấp rõ ràng, UBND phường Liên Hòa sẽ hỗ trợ tích cực, tháo gỡ các vướng mắc cho dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và của tỉnh. Sau sáp nhập, phường Liên Hòa sở hữu lợi thế chiến lược trong quy hoạch phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp, logistics, cảng biển. Địa phương có quỹ đất phù hợp, nguồn lao động dồi dào, tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư đa ngành.
Theo đó, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cho phép tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cấp xã, giúp địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, phù hợp với đặc thù từng vùng. Điều này cũng giúp cấp tỉnh tập trung vào hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát. Với bộ máy tinh gọn hơn, TTHC sẽ được rút ngắn, đơn giản hóa, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện hơn. Tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" sẽ là kim chỉ nam để hướng đến sự hài lòng của nhân dân.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, minh bạch, gần dân, phục vụ dân tốt hơn. Để vận hành hiệu quả, Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ (ngày 24/6/2025) đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn cấp bách (đến 30/6/2025): Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và dữ liệu, đảm bảo hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, liên tục và hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025. Giai đoạn đột phá (đến 31/12/2025): Hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối các cơ sở dữ liệu quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Mô hình tổng thể của quá trình chuyển đổi số tại Quảng Ninh được xây dựng theo kiến trúc tinh gọn, tập trung vào những chức năng cốt lõi của chính quyền số, vận hành dựa trên nguyên tắc "Một hệ thống thống nhất - Một dữ liệu duy nhất - Một dịch vụ liền mạch". Trong đó Ban Chỉ đạo Trung ương đóng vai trò tổng chỉ huy. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện việc triển khai tại địa phương. Cấp xã là cấp thực thi, tuyến đầu phục vụ người dân, đảm bảo thực hiện thông suốt các dịch vụ công và tạo lập dữ liệu mới "đúng - đủ - sạch - sống - thống nhất - dùng chung" từ ngày 1/7/2025. Người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác với toàn bộ hệ thống qua một cửa duy nhất là Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID.
Để thành công, toàn bộ hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh đến địa phương cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thống nhất, khẩn trương và cấp bách. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, các nhiệm vụ phải cho ra sản phẩm cụ thể, đo lường được và hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các quy định về an ninh và bảo mật thông tin. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng sẽ khai mở không gian và cơ hội phát triển mới, đặc biệt là sự hình thành của 2 đặc khu Vân Đồn và Cô Tô, sẽ tạo nền tảng vững chắc để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư. Trong đó nổi bật là Vân Đồn, những năm qua tỉnh đã dành nhiều nguồn lực từ NSNN đầu tư, cải thiện mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xúc tiến, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư ngoài xã hội hình thành nên một loạt công trình, dự án động lực, trọng điểm được coi là cốt lõi, then chốt giúp Vân Đồn cất cánh.
Hiện trên địa bàn Vân Đồn có trên 60 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký khoảng 63.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đã hoàn thành, tạo nên diện mạo mới cho Vân Đồn và đã phát huy tốt hiệu quả nguồn lực sau đầu tư, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Bến cảng quốc tế Ao Tiên, Khách sạn Wyndham Garden Sonasea, Khách sạn Angsana Quan Lan Ha Long Bay Resort…
Ngoài ra, tỉnh cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xúc tiến, thu hút một loạt dự án vào Vân Đồn. Điển hình là các dự án: Trung tâm Bảo dưỡng, sửa chữa máy bay do Tập đoàn SWIRE (Vương quốc Anh) đề xuất đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp do UBND tỉnh đề xuất đầu tư tại xã Vạn Yên. Đây là 2 dự án có số vốn đầu tư lớn, khi được triển khai đầu tư sẽ hình thành nên chuỗi phát triển kinh tế mới tại Vân Đồn.
Còn đặc khu Cô Tô lại mang sắc thái khác biệt được định hướng là đặc khu tiền tiêu với vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng. Cơ cấu hành chính nhỏ (2 xã, 1 thị trấn), dân cư không quá đông, thuận lợi trong thử nghiệm mô hình quản trị thông minh, dịch vụ công chất lượng cao. Việc sáp nhập, tinh gọn hệ thống hành chính trong tỉnh cũng tạo điều kiện để địa phương quản lý hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh quá trình cải cách, đổi mới mô hình quản trị theo hướng đặc thù. Trong khi Vân Đồn là cực tăng trưởng quy mô lớn, hướng tới hội nhập toàn cầu, thì Cô Tô là “vùng trũng” hấp dẫn cho các mô hình phát triển xanh, tuần hoàn, quy mô vừa và nhỏ.
2 đặc khu mới của Quảng Ninh là sự kết tinh giữa tầm nhìn chiến lược và hành động cụ thể. Một bên là trung tâm hội nhập kinh tế biển quy mô lớn (Vân Đồn), một bên là mô hình đảo sinh thái thông minh và bền vững (Cô Tô). Theo một số chuyên gia nghiên cứu kinh tế, Quảng Nin phát triển đặc khu không chỉ dựa vào chính sách ưu đãi, mà quan trọng là quy hoạch khoa học, quản trị minh bạch và đồng hành cùng nhà đầu tư chiến lược. Việc phát triển Vân Đồn và Cô Tô thành các đặc khu, khu kinh tế đặc thù của Quảng Ninh không chỉ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực Đông Bắc Bộ và cả nước.
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến lớn, là tiền đề vững chắc cho một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn của Quảng Ninh trong những năm tới.
Ý kiến ()