
Giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa cho trẻ em
Xác định gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ giúp trẻ em có những hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa. Thời gian qua các cấp, ngành, địa phương của tỉnh triển khai hoạt động bảo tồn một cách sáng tạo, phong phú.
Trên địa bàn các xã Tiên Yên, Điền Xá, Đông Ngũ có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 52%, sắc màu văn hóa được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ... Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt đối với trẻ em, các xã đã chỉ đạo các trường học có đông học sinh DTTS tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh may trang phục dân tộc cho con em đến trường; các trường học phối hợp với các đoàn thể tổ chức các buổi ngoại khóa như dạy đàn hát, may thêu đồng phục, nhằm duy trì các nét văn hóa của các dân tộc không bị mai một.
Cô giáo Hà Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Dụ (xã Tiên Yên), cho biết: Trường có 90% học sinh DTTS, đa số là dân tộc Tày. Để tuyên truyền giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Tày cho học sinh, Trường xây dựng một khu nhà sàn để trưng bày các hiện vật đặc trưng của đồng bào dân tộc; đồng thời cử giáo viên đến các nghệ nhân để học hỏi, sau đó về dạy lại cho học sinh. Vào những dịp lễ hội, nhà trường cho học sinh tham gia, trải nghiệm các hoạt động của lễ hội. Qua đó các em cảm thấy tự hào về dân tộc mình và cố gắng nỗ lực học tập thật tốt để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Xã Điền Xá có đông đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Chay. Soóng cọ là một loại hình dân ca được bà con gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Để bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Sán Chay, hằng năm Đoàn Thanh niên xã phối hợp với các nghệ nhân mở các lớp năng khiếu hè truyền dạy hát Soóng cọ cho các em nhỏ trên địa bàn. Sau này các em chính là những thành viên tích cực tham gia các hoạt động VHVN của trường, biểu diễn trong các ngày hội, lễ hội của địa phương. Qua đó góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của dân tộc Sán Chay.
Cùng với các cấp, ngành, địa phương, các cấp hội phụ nữ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về những giá trị của văn hóa truyền thống. Đến nay toàn tỉnh thành lập 23 CLB của phụ nữ về bảo tồn, phát huy và giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống, thu hút 1.000 hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó phải kể đến hiệu quả của các CLB: Thêu may hoa văn trang phục dân tộc Dao Thanh Phán; May trang phục dân tộc Dao Thanh Y; Phụ nữ dân tộc liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; Hát then; Đàn tính; Dân ca…

Tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, những thế hệ tương lai tiếp tục gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình để trường tồn mãi với thời gian.
Ý kiến ()