
Thiêng liêng nghi lễ đặc biệt trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc
Ngày 9/5, tại 3 điểm trên huyện đảo Cô Tô: Khuôn viên Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; Khuôn viên Cột cờ Tổ quốc xã Thanh Lân và Khuôn viên Cột cờ Tổ quốc đảo Trần đã đồng loạt diễn ra Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô 9/5 (1961-2025). Giây phút trang nghiêm, tất cả mọi người có mặt đều lặng mình trước lịch sử hào hùng của dân tộc và càng thêm thấm thía giá trị của hòa bình hôm nay.
Đúng 7 giờ, gần 2.000 người đã có mặt tại khu vực cột cờ ở các điểm đảo, trang nghiêm tham dự Lễ thượng cờ. Giữa mênh mông biển trời Đông Bắc, các lãnh đạo huyện, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, nhân dân và du khách đã nghiêm trang, ánh mắt hướng về lá cờ Tổ quốc. Tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió giữa mênh mông biển trời Đông Bắc là hình ảnh đáng nhớ và quý giá đối với bất cứ ai đã từng tham gia Lễ thượng cờ tại Cô Tô. Mọi giới hạn về không gian và thời gian dường như đều bị xóa nhòa, chỉ cần nghe Quốc ca, thấy Quốc kỳ ở đâu là biết quê hương Việt Nam ở đó.
Tại Khuôn viên Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, tượng Bác Hồ đứng hiên ngang trước nắng gió, tay vẫy chào hướng ra Biển Đông rộng lớn. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.

Ông Trần Mạnh Tân (thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) cho biết: Là người dân sinh ra và lớn lên ở Cô Tô, tôi rất tự hào vì sự thay da đổi thịt từng ngày của mảnh đất quê hương. Từ vùng biển đảo xa xôi, Cô Tô đã gần hơn với đất liền. Cô Tô có điện lưới, đời sống của người dân nâng cao, không chỉ phụ thuộc vào đánh bắt hải sản mà còn làm du lịch. Nhiều chuyến tàu lớn rút ngắn thời gian đi lại cho người dân và du khách. Tôi mong muốn thời gian tới, chính quyền và nhân dân tiếp tục đồng lòng xây dựng Cô Tô phát triển ngày một giàu đẹp.
Tham dự Lễ thượng cờ, Bùi Duy Quân (học sinh lớp 9B, Trường THCS thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) xúc động chia sẻ: Được tham gia Lễ thượng cờ Tổ quốc, em rất xúc động và tự hào vì những giá trị hòa bình quý giá mà ông cha đã để lại. Nhìn lên lá cờ Tổ quốc, em càng quyết tâm học tập chăm chỉ, phấn đấu làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành người có ích để đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Không chỉ đối với những người dân sinh sống trên huyện đảo Cô Tô, các du khách từ mọi miền Tổ quốc lần đầu tiên được tham dự Lễ thượng cờ thiêng liêng trên đảo tiền tiêu cũng mang một niềm xúc động, vinh dự và vô cùng tự hào.
Ông Nguyễn Hưng (du khách đến từ TP Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã được tham dự Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và hôm nay thật tự hào và sung sướng khi tôi được tham dự Lễ thượng cờ thiêng liêng trên đảo Cô Tô, nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng Người lúc sinh thời. Thật sự vô cùng xúc động khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời Đông Bắc bao la, không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng tất cả các du khách được tham dự Lễ thượng cờ hôm nay đều vô cùng hạnh phúc và tự hào. Tôi mong rằng nhân dân huyện đảo tiền tiêu Cô Tô tiếp tục duy trì, phát huy tinh thần đoàn kết, kiên cường bám trụ xây dựng biển đảo quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp hơn nữa.

Lễ chào cờ kết thúc, nhưng dư âm vẫn vang mãi trong lòng mỗi người tham dự. Lễ thượng cờ được tổ chức ở 3 cột cờ ở 3 điểm đảo tiền tiêu của huyện Cô Tô. Mỗi cột cờ đều mang ý nghĩa thiêng liêng, là một cột mốc khẳng định vững chắc chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Tại thị trấn Cô Tô, Cột cờ có tỷ lệ 1/1 so với Cột cờ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chiều cao từ mặt đất tới đỉnh cột là 27,9m. Tại đảo Trần, cột cờ có chiều cao 22,6m được đặt ở điểm cao nhất của đảo, cao 188m so với mực nước biển. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Thanh Lân là bản thu nhỏ của Cột cờ trên đảo Cô Tô với chiều cao 16,8m. Đây đều là những công trình gói trọn niềm tin và tình yêu của đất liền dành cho xã đảo tiền tiêu, là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu biển đảo cho mọi thế hệ.
Dù cách xa đất liền nhưng huyện đảo tiền tiêu Cô Tô vinh dự 2 lần được đón Bác về thăm. Trải qua 64 năm kể từ ngày Bác ra thăm đảo, Cô Tô ngày nay đã chuyển mình trở thành viên ngọc sáng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Trên đảo giờ đây đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống giao thông đường thủy phát triển. Nhờ những bước đi chiến lược, kinh tế của huyện Cô Tô tăng trưởng ấn tượng, với cơ cấu dịch vụ - du lịch chiếm 67,5%; nông nghiệp 13,7%; công nghiệp, xây dựng 18,8%; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 15-16%/năm. Năm 2024 thu nhập bình quân đầu người đạt 210 triệu đồng, cao hơn 1,5 lần mức trung bình của tỉnh; không còn hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của tỉnh.
Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM vào năm 2015, đang tiến tới trở thành đảo kiểu mẫu. 100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội được nâng cao, đảm bảo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn. Cô Tô đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong tỉnh để hình thành cụm du lịch biển, đảo cao cấp, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và cả nước. Không chỉ là điểm sáng kinh tế, Cô Tô còn mang trọng trách đặc biệt về quốc phòng - an ninh. Với đường biên giới biển gần 200km, là “Lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Lực lượng vũ trang huyện luôn sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN, bảo vệ an toàn vùng biển, đảo trước mọi thách thức.
Ý kiến ()