20
18
/
1100454
Thiêng liêng 2 chữ “Lương y”
longform
Thiêng liêng 2 chữ “Lương y”

Cover

“Con chịu khó ăn uống, giữ gìn sức khỏe, đi làm đeo khẩu trang thường xuyên. Dì vẫn đang phải chống dịch trong bệnh viện, tình hình dù phức tạp nhưng cứ yên tâm nhé!”. Cứ vài ngày, dì tôi - bác sĩ Nguyễn Thị Huệ công tác tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh (Bệnh viện số 2) lại gọi điện nhắc nhở các con, các cháu thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch. Từ những ngày đầu dịch bùng phát, hầu như dì luôn “trực chiến” 24/24h trong bệnh viện như bao đồng nghiệp - những “thiên thần áo trắng” vẫn đang âm thầm căng mình trên tuyến đầu để bảo vệ tính mạng cho người dân. Và lại một năm nữa, ngày truyền thống cao quý - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) diễn ra mà không có những buổi họp mặt, lễ kỷ niệm, thay vào đó, những y, bác sĩ tiếp tục dồn sức cho cuộc chiến chưa có hồi kết.

Ảnh trong văn bản

Nếu gia đình là ưu tiên hàng đầu của mỗi người, thì với các bác sĩ, họ phải ngậm ngùi hi sinh điều quý giá ấy đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ khi 2 em tôi còn bé, dì tôi đã phải gửi bà ngoại trông để trực đêm trong bệnh viện. Những đêm 2 đứa nhỏ khát sữa, bà là người pha sữa, bón từng thìa cho chúng, cho dì yên tâm công tác. Đến bây giờ, khi dịch Covid-19 xuất hiện, những đứa nhỏ ngày ấy giờ đã trưởng thành, tự lập, là hậu phương vững chắc để mẹ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hoàn cảnh của dì tôi có lẽ cũng là hoàn cảnh chung của hàng nghìn bác sĩ trên mảnh đất hình chữ S này, khi họ phải tạm thời hi sinh gia đình mình, tạm thời quên đi những xúc cảm riêng tư để dồn lực cho “trận chiến" khốc liệt chống "giặc Covid-19" kéo dài đằng đẵng gần 3 năm qua.

Ảnh với chú thích
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trong suốt những ngày Tết, thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), các bác sĩ và điều dưỡng ở đây vẫn đồng hành để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Là bác sĩ của một trong những đơn vị y tế tuyến cuối thực hiện thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ CKI Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Khoa Bệnh nhiệt đới có 13 bác sĩ và điều dưỡng viên điều trị, chăm sóc cho khoảng 24 bệnh nhân F0. Nhiều năm cùng các đồng nghiệp đón giao thừa tại bệnh viện, không có mặt ở nhà dường như đã thành “thông lệ” với tôi và cũng là điều “thiệt thòi” cho vợ và các con. Nhưng không vì thế mà tôi và anh em xuống tinh thần. Bởi chúng tôi xác định lễ tết cũng như ngày thường, khi đã khoác trên người chiếc áo blouse trắng là khi chúng tôi sẽ cống hiến và làm việc hết mình, không kể giờ giấc, ngày đêm, để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Ảnh với chú thích
Chị Lê Thị Lượn, nhân viên Trạm y tế xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều, tranh thủ thời gian rảnh để gọi điện về cho gia đình.

Không chỉ trong bệnh viện, những ngày này ở các địa phương, nhân viên các trạm y tế cũng đang bị quá tải vì số ca mắc Covid-19 tăng cao.

Chị Lê Thị Lượn, nhân viên Trạm y tế xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) phải tranh thủ thời gian rảnh lúc ăn cơm để gọi điện về cho gia đình.

“Nhà tôi chỉ cách Trạm Y tế chưa tới 10km, nhưng đã chục ngày nay tôi vẫn luôn túc trực tại trạm. Tết vừa rồi gia đình cũng chỉ chuẩn bị đơn giản vì công việc chống dịch đang vào giai đoạn gấp rút. Cả ngày tăng cường lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, đến tối lại nhập danh sách, tổng hợp, thời gian dường như không đủ để chúng tôi làm việc. Cũng vì thế, giấc ngủ tạm thời không cần thiết nữa. Một ngày chúng tôi chỉ có thể thay nhau ngủ 1-2 tiếng rồi lại tiếp tục làm việc. Có khi rảnh rỗi để gọi điện về thì cũng nửa đêm, tôi chỉ kịp nhắn gửi vài lời thăm hỏi, để sáng dậy các con đọc được” - Chị Lượn nghẹn ngào chia sẻ.

Sự hi sinh thầm lặng của hậu phương là nguồn động lực để các bác sĩ có thêm sức mạnh, bền bỉ chiến đấu, bền bỉ giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân. Họ mạnh mẽ trên “chiến trường”, không ngại khó khăn gian khổ để cùng nhau đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ảnh trong văn bản

Gác lại tình cảm, các nhân viên ngành Y tế trở thành những chiến sĩ nơi tuyến đầu, có mặt ở mọi mặt trận, không nề hà hiểm nguy để cứu sống bệnh nhân.

Trong đó, những thước phim ghi lại sự khốc liệt trong chống dịch Covid-19 ở “mặt trận” TP Hồ Chí Minh mùa hè năm 2021 của anh Nguyễn Thế Thiêm (Phó khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, CDC Quảng Ninh) lấy đi không ít nước mắt của người xem.

Anh Thiêm cho biết: Chứng kiến và trực tiếp cùng các bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 12 giành lại sự sống cho người dân là trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời tôi. 3 tháng ở TP Hồ Chí Minh, các y bác sĩ đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh đã cố gắng từng ngày, không chùn bước, nản chí, để chăm sóc, điều trị và cứu sống hơn 5.000 bệnh nhân.

Ảnh với chú thích
Đội ngũ y bác sĩ Quảng Ninh hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" nhất.

“Tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng khi nhận được “lệnh” triệu tập vào lực lượng bổ sung cho tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Nhưng khi đặt chân đến thành phố, tôi mới cảm thấy sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 đã gây ra cho người dân ở đây.

Trong gần 3 tháng “khói lửa” tại tâm dịch, lượng người bệnh luôn ở mức 1.000-1.200 người, nhân lực quá mỏng, chỉ hơn 100 người, nên trung bình mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phải chăm sóc, điều trị và quản lý từ 100-150 bệnh nhân. Không những thế, đây là giai đoạn đầu của bệnh viện số 12, chưa có đơn vị hậu cần nên khối lượng công việc rất lớn lại không thể san sẻ cho ai…

Từ khuân vác đồ, chuyển đồ, dọn dẹp, vệ sinh, lau rửa đến chuyển đồ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bệnh nhân; phun khử khuẩn; vận chuyển rác thải, trang thiết bị y tế... Các bác sĩ phải tự bảo vệ mình trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục khiến cơ thể kiệt sức vì mất nước và điện giải...” - Anh Thiêm chia sẻ.

Ảnh với chú thích
Những hiểm nguy, những khó khăn vất vả, không thể làm chùn bước những "thiên thần" áo trắng.

Dù đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng vượt lên tất cả, đội ngũ y các sĩ vẫn đồng lòng, quyết tâm vượt qua đại dịch và hứa hẹn một ngày chiến thắng để trở về.

Đằng sau những nụ cười, tinh thần lạc quan của những chiến binh áo trắng thầm lặng, là cả một hành trình gian nan, vất vả trong cuộc chiến chưa biết ngày kết thúc.

Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy, họ đã trải qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất trong cuộc đời. Nhiều lúc quên đi sức khỏe của chính mình, làm việc xuyên ngày và thức trắng đêm cùng người bệnh, toàn cơ thể rã rời và ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ, da sạm đi, đôi mắt thâm quầng.

Nhưng họ hiểu, lúc này người bệnh cần mình hơn bao giờ hết. Họ đã nỗ lực bằng 200% năng lực và sức khỏe của chính mình…

Ảnh trong văn bản

Không chỉ ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh, đội ngũ y bác sĩ Quảng Ninh luôn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ, mọi lúc, mọi nơi. Thời điểm này, khi đã chuyển sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, số lượng F0 liên tục tăng nhanh.

Đây cũng là lúc toàn ngành Y tế phải dốc toàn bộ lực lượng, trong đó, các trạm y tế tuyến xã là “thành trì" quan trọng để theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Các trạm y tế địa phương là tuyến y tế gần dân nhất trong công tác phòng, chống dịch, đồng nghĩa với lượng công việc đồ sộ và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ khi nào, trong khi lực lượng vô cùng hạn chế.

Tuy nhiên, không khó khăn nào cản bước được những “chiến sĩ áo trắng”. Từ việc tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu, quản lý F0 tại địa phương… cho đến hướng dẫn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến dịch bệnh và cả xây dựng kế hoạch, tham gia tiêm chủng, họ đều hoàn thành xuất sắc.

Đặc biệt, trong các đợt tiêm vắc-xin phòng Covid, cán bộ y tế cơ sở cũng là lực lượng chính, từ xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân, trực tiếp tham gia tiêm chủng tại địa phương, cũng như hỗ trợ tiêm chủng.

Hơn 3,1 triệu mũi tiêm trong toàn tỉnh được triển khai từ năm 2021 đến nay, có phần công sức không nhỏ của đội ngũ y tế cơ sở.

Ảnh với chú thích
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Hoa

Đặc biệt, đối với những địa phương vùng cao, nguồn lực còn hạn chế nhưng các bác sĩ vẫn luôn nỗ lực hết sức để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Ngô Thị Bình, Giám đốc TTYT huyện Bình Liêu chia sẻ: Với đặc thù là địa phương đông đồng bào dân tộc, đi lại còn khó khăn nhưng không vì thế khiến chúng tôi nản lòng. Ở đâu có dân là ở đó có bác sĩ. Không chỉ thành lập đội phản ứng nhanh chống Covid-19, sẵn sàng điều trị cho các ca bệnh F0, trong năm vừa qua, Trạm y tế huyện đã tiếp nhận trên 26.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, số bệnh nhân điều trị nội trú đạt trên 4.000 lượt, thực hiện 250 ca phẫu thuật, vượt xa kế hoạch đề ra.

Những con số này không chỉ thể hiện nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế mà còn là niềm tin của bệnh nhân, của người dân dành cho y tế địa phương. Đó cũng là động lực để chúng tôi không ngừng cố gắng, nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Ảnh với chú thích
27/2 là dịp để chúng ta nhìn lại và gửi sự tri ân sâu sắc cho đội ngũ các bác sĩ ở tuyến đầu. Trong ảnh: Cán bộ, y, bác sĩ của Quảng Ninh lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 6/2021.

Trong không khí khẩn trương, quyết liệt để phòng chống dịch Covid-19, kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), một lần nữa là dịp để chúng ta nhìn lại và gửi sự tri ân sâu sắc cho đội ngũ các bác sĩ ở tuyến đầu. Cảm ơn họ đã "không chọn việc nhẹ nhàng", cảm ơn họ đã hi sinh những nỗi niềm riêng, hết mình để bảo vệ an toàn cho sức khỏe người dân.

Minh Đức

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu