
Tăng huyết áp không triệu chứng: Đừng để lỡ cơ hội sống khỏe
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trưởng thành nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần mỗi năm, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.
Tăng huyết áp thường không biểu hiện rõ ràng, nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim, suy thận và đột quỵ – những biến chứng có thể cướp đi sức khỏe và cả tính mạng của người bệnh. Điều nguy hiểm là, trừ khi huyết áp tăng rất cao (thường từ 180/120 mmHg trở lên), hầu hết người mắc không có triệu chứng cụ thể nào để cảnh báo.
Không có triệu chứng không có nghĩa là không có bệnh
Nhiều người chỉ phát hiện mình bị tăng huyết áp khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi gặp một biến cố y tế nghiêm trọng. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc chủ động đo huyết áp, ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trưởng thành nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần mỗi năm, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi tác cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch, thừa cân béo phì, lối sống ít vận động, ăn mặn, hút thuốc, uống nhiều rượu bia và căng thẳng kéo dài. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ này, việc kiểm tra huyết áp và đánh giá nguy cơ tim mạch tại các cơ sở y tế cần được thực hiện định kỳ và nghiêm túc hơn.
Phòng bệnh từ sớm – sống khỏe lâu dài
Tăng huyết áp không thể "chữa khỏi" hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng lối sống lành mạnh và điều trị đúng cách. Để phòng ngừa và quản lý bệnh hiệu quả, bạn có thể thực hiện những khuyến cáo sau:
Giảm muối trong chế độ ăn uống: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày (khoảng một thìa cà phê nhỏ).
Tăng cường vận động: Duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần giúp cải thiện huyết áp và giảm stress.
Giữ cân nặng hợp lý: Giảm cân, nếu bạn đang thừa cân, là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp.
Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá: Đây là những yếu tố nguy cơ cao làm tăng huyết áp và gây tổn thương mạch máu.
Quản lý căng thẳng: Thiền, yoga, nghỉ ngơi hợp lý và duy trì thói quen ngủ đủ giấc giúp giảm áp lực tâm lý – một trong những tác nhân tiềm ẩn của tăng huyết áp.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Với những trường hợp đã được chẩn đoán, việc tuân thủ điều trị là bắt buộc, kể cả khi huyết áp có vẻ "ổn định".
Đừng đợi đến khi quá muộn
Tăng huyết áp không chừa một ai và không chờ một thời điểm nào. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ hôm nay: kiểm tra huyết áp, điều chỉnh lối sống và quan tâm hơn đến trái tim của chính mình. Một cuộc sống khỏe mạnh, trọn vẹn, bắt đầu từ việc phòng ngừa căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này theo khuyến cáo như sau của WHO:
Ý kiến ()