Tăng cường quản lý xe ô tô đưa đón học sinh
Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách đưa đón trẻ mẫu giáo, học sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ năng, ý thức của người lái xe, do thiếu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, trường học và nhân viên quản lý, hướng dẫn trên xe.
Mới đây nhất vào khoảng 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L. và cô giáo P.Q.A. có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Bé T.G.H. (SN 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đón lên xe cùng các bạn. Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H. đến đón, do không thấy cháu nên đã báo nhà trường. Mọi người tổ chức tìm kiếm, phát hiện bé vẫn ở trong xe đỗ bên ngoài. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng bé đã tử vong. Hơn 10 ngày sau vụ việc đau lòng này, những người liên quan trong vụ việc cũng đã bị khởi tố, cơ quan công an vẫn tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.
Từ thực tế đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật. Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 11/6.
Trước khi dự thảo luật được thông qua, Quảng Ninh thường xuyên tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xe đưa đón trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên; hạn chế tối đa các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông, sức khỏe và tính mạng con người trong việc đưa đón trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019, tỉnh đã rà soát và đình chỉ hoạt động của hàng loạt xe đưa đón học sinh không có phù hiệu, không đảm bảo các quy định về an toàn giao thông. Hằng năm, các lực lượng chức năng, các địa phương đều rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đối với những xe đưa đón học sinh chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết.
Ngày 7/6, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở GT-VT phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GT-VT. Cụ thể các phương tiện phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng của Sở GT-VT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. Yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe, tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với các đơn vị vận tải không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đặc biệt, trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.
Ý kiến ()