Tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện mới đây tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến ngày 5/6/2022, trên thế giới đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc bệnh ở ít nhất 30 quốc gia, cùng với đó là hàng chục ca nghi ngờ nhiễm loại vi rút này.
Cũng theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng nhanh, gấp 3 lần chỉ sau một tuần và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo về các ca nghi ngờ nhiễm bệnh. WHO cũng dự báo, dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Do vậy, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể là các địa phương chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công gô. Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, điển hình là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch, phát ban hoặc tổn thương da, tuy nhiên hay gặp là tổn thương da toàn thân và có hạch to...
Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, ngành Y tế và các đơn vị liên quan bên cạnh việc chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, CH Trung phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan... cần tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn. Cùng với đó phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh. Đồng thời, chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế...
WHO cho rằng sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới thời gian gần đây cho thấy vi rút gây bệnh này đã lây lan mà không bị phát hiện trong một thời gian bên ngoài các quốc gia Tây Phi và Trung Phi- nơi được xác định là các quốc gia khởi phát dịch bệnh này từ nhiều thập kỷ qua. Theo chuyên gia của WHO, tại 5 quốc gia châu Phi đã ghi nhận hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ...
Theo truyền thông địa phương, tại châu Á cũng đã phát hiện các trường hợp mắc và nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, những ca bệnh này chưa được báo cáo chính thức.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh này, nhất là sự lây lan từ người sang người, ngành Y tế đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nội địa cũng như sớm phát hiện các ca nghi ngờ trong cộng đồng để xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng...
Để phòng tránh và bảo vệ bản thân trước nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc trực tiếp với da hoặc mặt đối mặt với người có triệu chứng; quan hệ tình dục an toàn, thường xuyên vệ sinh tay...
Ý kiến ()