Tài nguyên vô giá
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch vô giá có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều giữ được những nét văn hóa đặc trưng của mình. Quảng Ninh còn có hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có những di sản là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh ở đủ các thể loại đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ; hội đình, hội chùa, hội làng... Nhiều di tích hàng năm thu hút đến hàng triệu du khách như khu di tích và danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên...
Những năm qua, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất tu sửa, bảo tồn các di tích vật thể, tỉnh cũng quan tâm phục hồi, bảo tồn nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như Lễ hội đình Lục Nà, ngày hội Kiêng Gió, hội hát tháng ba (Bình Liêu), Ngày hội văn hóa - thể thao, du lịch mùa vàng dân tộc Sán Chỉ, Tày, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (Tiên Yên), Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay, Lễ hội Bàn Vương, hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ)... thu hút ngày càng nhiều du khách.
Trên cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng riêng có của mỗi loại hình di sản, những năm gần đây, du lịch di sản đã và đang phát triển mạnh mẽ, lượng khách tham quan không ngừng gia tăng. Có sản phẩm du lịch di sản như nghỉ đêm ở Làng Nương Yên Tử đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2019-2021, Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Nhiều năm trở lại đây, du lịch văn hóa đã góp phần tạo thương hiệu và sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam.
Du lịch đã thúc đẩy việc bảo vệ các di sản văn hóa. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và làm sáng tỏ, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa. Hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ... đã và đang trở thành cơ sở, động lực sinh kế chính, ngành nghề chủ yếu của người dân cũng như ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản. Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ và được chia sẻ đến doanh nghiệp, người dân. Một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.
Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, hoạt động tham quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển.
Ý kiến ()