
Đảm bảo an toàn hồ, đập
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Ninh chủ động các giải pháp rà soát, đánh giá hiện trạng và nâng cấp hạ tầng các công trình hồ đập, đê điều, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm 2025.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều hiện quản lý 20 hồ, đập lớn, vừa và nhỏ với tổng dung tích trữ nước khoảng 35,5 triệu m³, cùng hệ thống kênh mương, trạm bơm tưới, trạm bơm tiêu trải khắp địa bàn 17/19 xã, phường của TP Đông Triều. Để đảm bảo an toàn hồ, đập chủ động ứng phó với mùa mưa bão 2025, Công ty đã thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ công trình thủy lợi, từ 20 hồ chứa đến hệ thống trạm bơm. Qua đó, kịp thời phát hiện, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, đồng thời xây dựng kịch bản, phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, cho biết: Công ty đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) và địa phương để phối hợp triển khai. Hiện Công ty đã thiết lập quy chế phối hợp rõ ràng nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả khi có thiên tai xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Công ty kiện toàn với sự phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân phụ trách các công trình thủy lợi. Khi có thông tin về bão hoặc mưa lớn, các bộ phận lập tức triển khai trực chiến 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mực nước, lượng mưa và tình trạng các công trình để kịp thời xử lý mọi tình huống. Tại các đập, hồ chứa, công tác kiểm tra, quan trắc kỹ thuật được tiến hành thường xuyên, chú trọng đến việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như thấm, lún, rò rỉ... đảm bảo duy trì mực nước hồ trong giới hạn an toàn.
Tuyến đê Hà Nam (TX Quảng Yên), là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh, tổng chiều dài toàn tuyến gần 34km. Sau mùa mưa bão năm 2024, chính quyền các xã, phường có tuyến đê đi qua đã phối hợp với đơn vị quản lý đê kiểm tra kỹ hiện trạng nhằm phát hiện hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình. Đồng thời, xác định những tuyến, khu vực trọng điểm xung yếu để có phương án bảo vệ. Tới nay, toàn tuyến đã được tu bổ nâng cấp với quy mô đảm bảo chống được bão cấp 10, triều cường tần suất 5%.
Anh Đỗ Trung Thành, Kiểm soát viên đê điều, Hạt Quản lý đê TX Quảng Yên, cho biết: Trong quá trình tuần tra, kiểm tra tuyến đê, đơn vị thường xuyên theo dõi các điểm xung yếu, nhất là tại các vị trí đã từng xảy ra sạt lở, thẩm thấu nước hoặc bị tác động do hoạt động dân sinh. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường như nứt mái đê, rò rỉ nước qua thân đê, chúng tôi lập tức báo cáo về Hạt quản lý và phối hợp với địa phương triển khai biện pháp xử lý tạm thời, đồng thời đề xuất phương án gia cố lâu dài để đảm bảo an toàn công trình. Ngoài công tác tuần tra định kỳ, đơn vị thực hiện trực ban trong suốt mùa mưa bão, đảm bảo lực lượng giám sát tuyến đê, sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống thiên tai xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê của Sở NN&MT, hiện toàn tỉnh có có khoảng 397km hệ thống đê và 176 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích thiết kế khoảng 360 triệu m3. Sở NN&MT đã phối hợp với các địa phương có tuyến đê, hồ đập tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình; đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều năm 2025. Theo đó, sẽ tu bổ 8 công trình đê điều cấp IV với tổng kinh phí khoảng 36 tỷ đồng. Hiện sở triển khai và phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành trong tháng 6/2025.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT, cho biết: Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết hiện trạng các công trình, nhất là những hồ chứa đã xuống cấp hoặc có nguy cơ mất an toàn; yêu cầu các đơn vị quản lý hồ, đập thực hiện nghiêm túc việc kê khai, đăng ký an toàn hồ đập, xây dựng quy trình vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc và báo cáo hiện trạng công trình; xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành, giám sát sát sao việc quản lý, vận hành các hồ chứa, nhất là trong cao điểm mưa lũ; chủ động huy động vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai… Đồng thời, nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý tại cơ sở, ứng dụng công nghệ trong giám sát, để cảnh báo sớm và tuyên truyền đến người dân nhằm đảm bảo an toàn và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra mưa, bão.
Ý kiến ()