
Hành trình lan tỏa sâu rộng
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua, Quảng Yên, đó là giai đoạn của những chuyển mình mạnh mẽ - từ tư duy đến hành động - từ niềm tin đến kết quả, khi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành ánh sáng soi đường trong mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn thị xã.
Học Bác từ những việc nhỏ
Từng là khu dân cư khó khăn nhất phường Quảng Yên - thiếu điện, đường, nước sạch - khu phố Chùa Bằng đã từng bước thay đổi nhờ sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong việc học và làm theo Bác. Địa bàn dân cư phân tán, đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, lao động thủ công, nhưng bằng dân vận khéo, Chi bộ đã làm chuyển biến tư duy và hành động trong cộng đồng. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chi bộ khu phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp dân vận khéo gắn với học và làm theo Bác, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh.

Tiêu biểu có thể kể đến là việc vận động 43 hộ dân tham gia Dự án đường nối tỉnh lộ 331B với 338. Với quyết tâm chính trị cao, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể khu phố đã tổ chức 15 hội nghị, 21 buổi gặp gỡ, tiếp xúc và vận động hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, tạo sự đồng thuận cao. Hơn 22.333m² đất được bàn giao không khiếu kiện, không phát sinh điểm nóng. Ông Đặng Ngọc Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Chùa Bằng chia sẻ. “Học Bác là gần dân, là biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân. Muốn dân nghe thì cán bộ phải làm trước. Chúng tôi xác định rõ rằng dân vận không phải là vận động một chiều, mà là sự chia sẻ, đồng hành, đặt mình vào tâm lý người dân để lắng nghe và thuyết phục bằng trách nhiệm và tình cảm chân thành”.
“Đầu năm 2025, khi địa phương triển khai mở rộng tuyến ngõ 71, đường Văn Miếu (dài 35m, rộng 3,5m), gia đình tôi đã tự nguyện hiến 30m² đất ở - phần diện tích được đánh giá có giá trị cao - để phục vụ dự án. Có con đường rộng thì dân mình đi lại đỡ vất vả, trẻ con đến trường an toàn, nhà tôi thiệt một chút cũng chẳng sao”, bà Nguyễn Thị Chi, người dân khu phố nói.
Không dừng ở công tác đền bù, giải tỏa, Chi bộ khu phố còn vận động nhân dân tham gia cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đường phố, xử lý môi trường và phát triển hạ tầng khu dân cư. Giai đoạn 2021-2024, đã có hàng loạt công trình dân sinh được triển khai như đường ngõ Văn Miếu dài 270m, rộng 3,5m trị giá 250 triệu đồng, đường Lê Thánh Tông trị giá 200 triệu đồng, 3 tuyến ngõ bê tông hóa với tổng chiều dài 450m, cùng nhiều hệ thống thoát nước, chiếu sáng, nhà văn hóa… Tổng nguồn lực huy động từ nhân dân và xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng.
Từ nhận thức đến hành động
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016, Thị ủy Quảng Yên đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung học tập và làm theo Bác được cụ thể hóa thông qua các chuyên đề hàng năm, gắn liền với nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII và các quy định về trách nhiệm nêu gương. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập, viết cam kết, sinh hoạt chuyên đề luôn đạt trên 85%.
Điểm nhấn trong hành trình 10 năm qua là việc học tập Bác luôn được gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Quảng Yên đã bứt phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 33,4%/năm - gấp đôi mục tiêu Đại hội đề ra. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt gần 89 triệu đồng/người/năm. Thị xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 3 năm so với kế hoạch, trở thành một trong những địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Yên đã chăm lo đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân - đúng như lời Bác dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì hiệu quả, với 161/178 nhà văn hóa đạt chuẩn, chiếm 90,5%. Các thiết chế văn hóa được đầu tư trên 35 tỷ đồng. Hệ thống di tích lịch sử, lễ hội truyền thống được phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị. Tính đến hết năm 2024, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, gắn liền với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, từng bước xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) của thị xã liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu toàn tỉnh.
Điều đáng ghi nhận là việc học và làm theo Bác ở Quảng Yên đã đi vào thực chất, trở thành hành động, lối sống của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Những mô hình tiêu biểu, những tấm gương người tốt, việc tốt liên tục được nhân rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong lĩnh vực dân vận, các cấp ủy, chính quyền Quảng Yên đã tổ chức định kỳ đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác đã trở thành kim chỉ nam trong hành động của chính quyền, giúp giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển.
Một thập kỷ nhìn lại, điều Quảng Yên đạt được lớn nhất không chỉ là tăng trưởng, là các con số thống kê, mà là niềm tin của người dân được củng cố, là tinh thần đoàn kết lan tỏa, là hệ giá trị đạo đức - văn hóa của Bác Hồ được thấm sâu vào từng cộng đồng, từng tổ chức, từng gia đình.
Ý kiến ()