Rửa tay và minh bạch thông tin
Dịch bệnh tay chân miệng và các vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn đang là vấn đề thời sự mà báo chí quan tâm.
Trong các khuyến cáo đề phòng các dịch bệnh, giới y tế đều nói đến việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng... Rửa tay là việc nhỏ, được nhắc nhở từ thuở học mẫu giáo, thế nhưng việc rửa tay trước khi ăn không phải ai cũng làm được. Cái việc tưởng nhỏ này lại liên quan đến lây truyền của dịch bệnh thì đâu là việc nhỏ nữa. Chả thế mà kể từ năm 2008, ngày 15-10 hằng năm trở thành Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng!
Muốn phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả thì trước hết mọi người phải rửa tay với xà phòng. Còn muốn tránh bị lừa đảo trong làm ăn buôn bán thì phải làm thế nào? Có người cho rằng, trước hết là phải minh bạch thông tin.
Qua vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng bằng thủ đoạn “đáo hạn hợp đồng bảo hiểm” ở TP Hạ Long, và vụ chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng bằng thủ đoạn “hợp đồng uỷ thác đầu tư” ở TP Hồ Chí Minh, cho thấy các nạn nhân đều thiếu thông tin về đối tác của mình.
Kẻ chủ mưu lừa đảo đều lợi dụng thông tin để “khuếch trương”, tô vẽ “tiềm năng thế mạnh” của mình, bằng cách lợi dụng những thương hiệu uy tín, những nhân vật uy tín. Người bị lừa thì quá ham với “ưu đãi”, lại chủ quan tin tưởng vào đối tác. Chiêu bài lừa rất cũ là cho vay hưởng lãi suất cao nhưng được tô điểm bằng những “hợp đồng”, bằng những “tri ân khách hàng” khiến không ít người bị mê hoặc.
Việc minh bạch thông tin theo yêu cầu của pháp luật, từ việc tưởng nhỏ nhưng nó sẽ góp phần ngăn chặn cái xấu ngay từ đầu. Những gì khác thường liên quan đến quyền lợi của người dân, đến an toàn xã hội phải được mọi người chú ý, dư luận quan tâm, cơ quan quản lý nhà nước biết tới. Việc giàu nhanh bất thường, việc hưởng lãi lớn bất thường... bao giờ cũng ẩn chứa những điều cần phải quan tâm. Tâm lý giàu nhanh bằng chộp giật vẫn còn tồn tại, đây chính là “môi trường” tốt dung dưỡng những hành vi lừa đảo.
Việc thuê hội trường để tổ chức giới thiệu dịch vụ với khách hàng hiện nay rất dễ dàng. Nếu không rõ người thuê có hợp pháp không, nội dung phổ biến có hợp pháp không, thì sự dễ dàng đã trở thành kẽ hở cho những kẻ chủ mưu lừa đảo lợi dụng. Những người có trách nhiệm đối với hội trường của cơ quan nhà nước càng cần phải cảnh giác với việc này.
Các đơn vị dịch vụ cần chủ động công khai minh bạch theo yêu cầu của pháp luật, vừa để bảo vệ quyền lợi của mình và của khách hàng. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý về việc công khai minh bạch này.
Rửa tay và minh bạch thông tin hoá ra lại liên quan đến nhau, bởi đều nhằm chống các loại “dịch bệnh”.
Nguyên Đan
Ý kiến ()