![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Rộn ràng trồng rừng mùa xuân
“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959. Từ lời dạy của Bác, trong những ngày đầu xuân năm mới, người dân từ đô thị đến nông thôn lại nô nức trồng rừng, tạo nên một nét đẹp truyền thống, nét xuân độc đáo, mang lại những giá trị to lớn cho hôm nay và cả đời sau. Với họ, mùa xuân năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ.
Ở nơi "phú tại sơn lâm"
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310853_z6294601201081_6e951d5f7536288669491559945fcdc3_07381407.jpg)
Ngay ngày “khai xuân” 3/2 (mùng 6 Tết), từ tờ mờ sáng, khắp các cánh rừng trên địa bàn huyện đã rộn ràng bởi tiếng trò chuyện của người dân. Trên con đường từ huyện tới cánh rừng của gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Loọng Ngoài (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ), mặc cho những hạt mưa của mùa xuân đang rơi xuống mỗi lúc một dày, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh của bà con nơi đây đang thoăn thoắt vun trồng những cây giống mới như: Keo, quế, giổi… Với những người dân nơi đây, đã từ lâu họ coi những cánh rừng như "Ngôi nhà thứ hai" để bảo vệ, chăm sóc. Vì thế, với họ mùa xuân này càng đặc biệt hơn bởi mùa xuân năm nay là mùa trồng cây đầu tiên sau cơn bão số 3.
Rừng của anh Thanh nằm cách con đường tỉnh 330 dẫn từ trung tâm huyện đến thôn không xa. Sau ít phút đi bộ, chúng tôi đến cánh rừng của anh. Gặp lúc anh Thanh đang tiến hành trồng cây giổi. Dừng tay, anh Thanh chia sẻ: Gần 5 tháng nay, kể từ sau cơn bão, gia đình tôi đều bắt đầu ngày làm việc từ lúc trời mờ sáng, còn chưa nhìn rõ mặt nhau nhằm tranh thủ làm thêm được tí nào hay tí ấy. Bão đến đã phá tan cánh rừng của gia đình, chỉ còn lại một số ít cây quế, giổi… còn sống sót. Tất cả đều phải làm lại mà vốn liếng của chúng tôi thì không còn nhiều. Việc thuê nhân công thu dọn rừng, thương lái thu mua cây gãy đổ… vô cùng khó khăn. Thôi thì chịu khó, cố gắng làm được càng nhiều càng tốt, rồi bố mẹ, anh em, con cháu thương giúp, góp công, góp của. Vì thế, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi bắt tay ngay vào trồng rừng trong vụ xuân để sớm hồi sinh.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310854_z6294601188861_997b5703fa475e3ef65e3fc416bdf147_07390807.jpg)
Ba Chẽ là địa phương có tổng diện tích rừng và đất rừng lớn nhất trên địa bàn tỉnh với gần 57.000ha, chiếm 93,4% tổng diện tích tự nhiên. Nhiều năm nay, nghề rừng đã mang lại việc làm, thu nhập, lợi nhuận để người dân nơi đây sinh nhai, chăm nuôi con cái và tích luỹ.
Thế nhưng cơn bão số 3 đã khiến cho những người làm rừng nơi đây “điêu đứng”. Vượt lên những khó khăn, bằng ý chí, nghị lực cùng đôi bàn tay cần cù, người dân nơi đây vẫn đang và tiếp tục gắn bó với rừng. "Ngay cả sau cơn bão số 3, nhìn cảnh hoang tàn của cánh rừng sau bão, khi không còn gì trong tay, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ rừng mà chỉ tính kế làm sao để làm lại. Chúng tôi coi việc được - mất như khúc nhạc thăng trầm của nghề, chúng tôi chấp nhận nó, chúng tôi sẽ làm nó hồi sinh, rồi rừng sẽ lại lên xanh. Cứ yêu rừng, yêu thiên nhiên, rừng sẽ trả nghĩa thật nhiều" - chị Nịnh Thị Hoa, thôn Khe Pụt Ngoài (xã Thanh Sơn) khẳng định.
Để rừng sẽ lên xanh, năm nay mục tiêu lớn nhất đặt ra trong kế hoạch trồng rừng tập trung của huyện Ba Chẽ là khắc phục, tái thiết, khôi phục diện tích rừng bị thiệt hại do bão Yagi gây ra. Trong tương lai không xa, những cánh rừng xơ xác sẽ được phủ xanh trở lại bằng những lứa cây mới, giàu sức sống hơn, xanh tươi hơn.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Để khôi phục rừng sau bão, năm nay huyện Ba Chẽ phấn đấu trồng mới 5.000ha rừng tập trung, trong đó có 100ha rừng gỗ lớn các loài cây lim, lát, giổi. Do đó, huyện đã chủ động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thu dọn rừng bị gãy đổ do bão, chuẩn bị diện tích rừng gieo trồng, tích cực gieo ươm cây giống. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành chi trả hỗ trợ theo quy định của tỉnh cho 2.445 hộ dân có rừng bị thiệt hại do bão với diện tích trên 13.000ha và tổng số tiền trên 43 tỷ đồng, từ đó giúp người dân có thêm vốn để tái sản xuất, tái sinh rừng sau bão, nâng độ che phủ rừng lên gần 56%.
Rồi rừng sẽ lên xanh
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310848_2309848_dong_chi_trinh_thi_minh_thanh_pho_bi_thu_thuong_truc_tinh_uy_chu_tich_hdnd_tinh_cung_lanh_dao_tp_ha_long_trong_cay_xanh_tren_doi_khi_tuong_phu_07334207.jpg)
Cơn bão số 3 đã khiến cho trên 128.800ha rừng trong toàn tỉnh, bao gồm trên 112.800ha rừng trồng và trên 16.000ha rừng tự nhiên, nhiều cánh rừng bị tàn phá, gãy đổ, thiệt hại lớn cho ngành lâm nghiệp. Những con số trên đã cho thấy mức độ thiệt hại của ngành lâm nghiệp do bão số 3 gây ra là rất nặng nề.
Không "than khóc", không trông chờ, không ỷ lại, người dân Quảng Ninh đã phát huy nội lực, khắc phục thiệt hại, từng bước phục hồi sản xuất một cách mạnh mẽ.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310855_z6294601189059_c18bc35886f5bac8229ce8bdc3ad88ce_07440607.jpg)
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai ngay các chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng, khẩn trương xây dựng Đề án tái thiết ngành lâm nghiệp, khôi phục cây xanh đô thị, phục hồi cảnh quan, gắn với cơ cấu lại cây trồng theo hướng bền vững. Từ cú huých này, người dân đã bắt tay ngay vào tận thu đối với diện tích rừng sản xuất bị gãy đổ, dọn dẹp hiện trường, chú trọng làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, chuẩn bị cây giống, sẵn sàng hiện trường đảm bảo đủ các điều kiện để trồng rừng vụ mới.
Bước vào năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 31.847ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất. Đây là con số lớn chưa từng có, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024, thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau bão. Do đó, ngay từ những ngày đầu của vụ xuân, tỉnh đã phát động Tết trồng cây tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Tết trồng cây từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, nét đẹp truyền thống, văn hóa riêng có của Việt Nam được nhân dân ta gìn giữ, phát triển, lan tỏa. Đối với Quảng Ninh, Tết trồng cây năm nay có ý nghĩa lớn lao hơn. Bởi Tết trồng cây năm nay là sự kiện khởi đầu cho mùa trồng rừng vụ xuân, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc tái sinh những cánh rừng sau bão.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310851_z6294599784263_c2b7f6a08bae62562c4a42297b67e295_07370307.jpg)
Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới, người dân trên địa bàn tỉnh lại nô nức trồng rừng với niềm hy vọng ngập tràn. Ngay trong ngày đầu khai xuân, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã trồng hơn 112.000 cây xanh với diện tích tương đương 112ha.
Ông Giáp Thế Hòa, thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cho biết: Sau cơn bão số 3, gia đình tôi được tỉnh và địa phương chi trả hỗ trợ hơn 13 triệu đồng. Bằng số tiền này cùng với nguồn vốn của gia đình, vụ xuân năm nay, gia đình tôi sẽ trồng khoảng 40.000 cây keo, giổi, quế, đảm bảo phủ xanh toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại do bão trong vụ này.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hạ Long, cho biết: Để tạo động lực thúc đẩy người dân tích cực chung tay khôi phục diện tích rừng bị ảnh hưởng do bão số 3, thành phố đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 tại khu vực đồi khí tượng, phường Bãi Cháy - một trong nhiều khu vực thiệt hại, cây gãy đổ sau bão số 3 với hơn 2.000 cây bằng lăng, phượng vỹ, hoa ban kết hợp với lát hoa, thông đã được trồng trên diện tích hơn 1,6ha. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo 31 xã, phường đồng loạt tổ chức Tết trồng cây với cây gỗ lớn, cây bản địa tại khu vực đầu nguồn các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, góp phần “xanh hóa” những cánh rừng nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2025 trồng trên 21.500ha rừng.
Đi giữa hàng cây vừa được ươm trồng, được lắng nghe những câu chuyện vượt bão, giữ rừng, tái sinh rừng, chúng tôi càng thấu hiểu tình yêu của những người luôn đau đáu với rừng. Họ là những người dân tộc khác nhau, ở những địa phương khác nhau và cái duyên của họ đến với trồng rừng cũng không giống nhau nhưng ở họ có điểm chung là tình yêu mãnh liệt. Với họ, mỗi cây xanh được trồng xuống, chăm sóc, bảo vệ không chỉ là gửi gắm yêu thương đến thiên nhiên, mà còn là món quà vô giá cho muôn đời sau.
Ý kiến ()