![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Phát triển nhà ở xã hội: Cần thêm sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn vốn
Theo chuyên gia, việc Nhà nước không đầu tư mà để doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là chủ trương rất đúng bởi Nhà nước đã hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế đất và có chính sách để cho vay lãi suất thấp.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312358_a134314cb601198a2005e1e58d343573.webp)
Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở bình dân vẫn còn thiếu, đặc biệt là khi các luật, chính sách mới liên quan đến nhà ở xã hội đã có hiệu lực thi hành, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng cần huy động mọi nguồn lực (trong đó có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, vốn) kể cả Nhà nước lẫn xã hội, kể cả phân khúc nhà ở giá rẻ, cao cấp để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có nhu cầu thực.
Cần huy động mọi nguồn lực
Chia sẻ tại Tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức," tổ chức trong ngày 11/2, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho biết Luật Nhà ở 2023 và nghị định hướng dẫn đã quy định cụ thể về bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, việc tính toán giá, lựa chọn đối tượng trong việc mua bán nhà ở xã hội.
Chính phủ, các bộ, ngành cũng đang rất quyết liệt thực hiện các đề án phát triển nhà ở xã hội. Nhờ đó, nguồn cung bất động sản đã có sự cải thiện.
Thực tế cho thấy các chính sách được sửa đổi, ban hành đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến tâm lý nhà đầu tư. Chính sách rõ ràng, minh bạch cũng đã góp phần giúp hoạt động triển khai các dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương thuận lợi hơn với giá cả phù hợp cho người dân.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Dũng cho biết cơ quan này cũng đã tính đến chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội ở từng địa phương, cụ thể hàng năm. Đây là một trong những cơ sở để triển khai nhà ở xã hội tích cực hơn trong thời gian tới, cũng như để gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được giải ngân tốt hơn.
Ông Dũng cũng nêu quan điểm ở góc độ Bộ Xây dựng, ông đặc biệt quan tâm nhà ở người xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Đây là loại hình nhà ở có nhu cầu thực, thiết yếu như cơm ăn, nước uống, cộng với học hành, đi lại nên cần được quan tâm triển khai; nhất là với những người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Vậy nên chăng Nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội? Tôi cho rằng cần huy động mọi nguồn lực kể cả nhà nước lẫn xã hội, kể cả phân khúc nhà ở giá rẻ, cao cấp. Chúng ta thấy rằng nhu cầu nhà ở cho người dân phù hợp còn rất lớn, chúng ta rất cần thiết có thêm nhiều nguồn lực, cần có sự hỗ trợ cơ chế, chính sách, vốn,” ông Dũng nói.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai Lê Văn Bình cho rằng phân khúc nhà ở xã hội đang có nhiều ưu đãi vô cùng tốt từ Nhà nước như thủ tục pháp lý nhanh, thuế đất cũng được ưu đãi.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312359_506247fe0f3fb93a17f8910498c5c03d.jpg)
"Thậm chí, việc bán hàng cũng nhanh vì phân khúc này người dân sẽ tự tìm đến chứ không mất công đi tìm khách như những phân khúc khác. Phân khúc nhà ở xã hội cũng có lãi rõ ràng, tuy nhiên thực tế lại không thu hút được doanh nghiệp đầu tư," ông Bình nhìn nhận.
Kỳ vọng đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng Chính phủ hiện đang “nới” cho doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả trái phiếu, giúp doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại nguồn lực để trả ngân hàng, cho các khoản vay bất động sản.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý rằng mặc dù nhà đầu tư bất động sản nhìn thấy cơ hội phát triển nhưng thực tế thách thức vẫn còn lớn.
“Sản phẩm bán ra đến người tiêu dùng có thật hay không? Bao nhiêu người dân mua nhà thực tế để ở hay họ chỉ mua nhà thêm đến 3, đến 7 nhà? Vì sao giá cao như vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn mua được, vẫn cho thuê được?” ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng lý do là bởi họ kỳ vọng vào tương lai rằng có thể “ăn” chênh lệch nếu bán đi hoặc cho thuê, nhưng đây lại là rủi ro lớn cho tương lai, rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hùng, thiếu nhà là thật nhưng người cần mua có mua được không? “Tôi băn khoăn là chất lượng nhà ở hiện nay vẫn thế mà giá tăng gấp đôi. Trong khi đó, bao nhiêu nhà còn bỏ hoang mà thị trường vẫn thiếu. Rõ ràng, chúng ta thấy rõ một vấn đề lãng phí rất lớn,” ông Hùng băn khoăn.
Về đối tượng phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc Nhà nước không đầu tư mà để doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là chủ trương rất đúng bởi Nhà nước đã hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế đất đối với nhà ở xã hội và có chính sách để cho vay với lãi suất thấp.
“Như vậy, Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều, chứ không nhất thiết cần phải lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tôi cho rằng kỳ vọng trong tương lai và chắc chắn sẽ làm được hàng triệu căn nhà ở xã hội. Khi Chính phủ giao chỉ tiêu, đốc thúc, chỉ đạo các địa phương triển khai, sẽ thực hiện được,” ông Hùng nói.
Tiếp đó, ông Hùng cho biết phía ngân hàng cũng đã sẵn sàng dành nhiều nguồn lực (trong đó có các gói mức vay ưu đãi lãi suất thấp) để thực hiện dự án. "Nếu có các gói vay ưu đãi, khi hoàn thiện thủ tục rồi, kỳ vọng có thể triển khai đầu tư nhà ở xã hội rất nhanh. Kỳ vọng thời gian tới nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp sẽ tiếp cận được, đảm bảo đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội," ông Hùng nhấn mạnh./.
Ý kiến ()