
Quảng Ninh: Ưu tiên chăm lo đời sống người có công
Giữa cuộc sống yên bình hôm nay, mỗi chúng ta không bao giờ quên những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của đất nước. Họ đã đổ máu xương, hy sinh tuổi trẻ, trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Thấu hiểu sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Quảng Ninh luôn trân trọng và dành những tình cảm đặc biệt, những hành động thiết thực nhất đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Hữu Trí (khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) mang về thời bình vết thương chiến tranh chỉ cách cột sống vài cm. Đó là dấu tích không phai của những năm tháng chiến đấu khốc liệt. Là thương binh hạng 4/4, ông luôn cảm thấy được an ủi, động viên bởi sự quan tâm sát sao từ chính quyền địa phương. Gia đình ông đã được hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí chăm lo người có công để sửa lại nhà cửa khang trang và sạch đẹp hơn. Ông Trí chia sẻ: Sau khi rời quân ngũ và trở về cuộc sống thường ngày, mỗi người lính đều có những công việc và hoàn cảnh khác nhau. Với riêng gia đình tôi, sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là khoản hỗ trợ để sửa chữa nhà cửa, đã giúp cuộc sống ổn định hơn, bớt đi nhiều lo toan. Điều đáng quý là sự giúp đỡ ấy không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao.
Từ năm 2013 đến 2021, Quảng Ninh đã hoàn thành xuất sắc 3 giai đoạn của Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với hơn 12.000 hộ được xây mới và sửa chữa, tổng kinh phí lên đến gần 500 tỷ đồng. Đáng tự hào, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đề án này, vượt 20% so với chỉ tiêu. Tiếp nối kết quả đó, năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai đề án mới, hỗ trợ 649 hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ, với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Luân (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) xúc động nói: “Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự chung tay của con cháu, ngôi nhà của tôi đã được sửa chữa khang trang, ấm cúng hơn biết bao. Cả gia đình rất mừng. Với tôi, đó không chỉ là căn nhà mới, mà còn là nguồn động viên lớn, giúp tôi có thêm tinh thần để sống vui, sống khỏe”.

Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh đã tiếp đón điều dưỡng sức khỏe thường xuyên từ 2.500-3.000 lượt người có công trong và ngoài tỉnh mỗi năm. Đặc biệt, từ năm 2012, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ thêm nguồn kinh phí 1,4 triệu đồng cho mỗi thương, bệnh binh, người có công của tỉnh đến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh. Đến tháng 12/2023, tỉnh đã nâng mức hỗ trợ lên 1,8 triệu đồng/người/lần cho các đối tượng trên. Hơn 10 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt người có công đi điều dưỡng tập trung.
Theo ông Nguyễn Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành và mở rộng đối tượng được thụ hưởng. Điều này cho thấy sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao của tỉnh trong việc chăm lo cho người có công. Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo và giải quyết các chế độ chính sách, cũng như các vướng mắc trong thủ tục hồ sơ còn tồn đọng. Mục tiêu là hỗ trợ tốt nhất cho người có công về mọi mặt, từ đời sống vật chất, tinh thần đến nhà ở và chế độ điều dưỡng.
Ý kiến ()