Phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
Cùng với các bệnh mùa hè như chân - tay - miệng, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu BC, tiêu chảy cấp do virus Rota, thì sốt xuất huyết luôn khiến người dân lo lắng. Theo ngành Y tế, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 29 trường hợp tử vong. Ở Quảng Ninh, đến thời điểm này cũng bắt đầu ghi nhận các ca sốt xuất huyết rải rác tại các địa phương trong tỉnh. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng nóng như hiện nay, nguy cơ xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết là hiện hữu, nếu như người dân không có các biện pháp chủ động phòng bệnh.
Theo CDC Quảng Ninh, kết quả giám sát vector tại một số địa bàn đã ghi nhận các chỉ số cao trên ngưỡng gây dịch, thậm chí một số điểm cao gấp 2 lần ngưỡng gây dịch như Đông Xá, Cái Rồng (huyện Vân Đồn); Hoành Bồ, Lê Lợi (TP Hạ Long); thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu)…Toàn tỉnh đến nay đã ghi nhận 17 ca mắc rải rác tại các địa phương trong tỉnh.
Để phòng tránh sốt xuất huyết gia tăng, Bộ Y tế vừa có công điện gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh này. Trong đó nhấn mạnh, thời tiết khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bùng phát, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn.
Các địa phương củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Đồng thời tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng). Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Vận động người dân thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn…, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với người bệnh sốt xuất huyết được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng như: Đau bụng nhiều và liên tục; nôn ói nhiều, nôn ra máu; chảy máu chân răng; chân tay lạnh, bồn chồn, vật vã, lừ đừ, li bì… cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị.
Đối với sốt xuất huyết thì công tác phòng bệnh là vô cùng quan trọng, chính vì vậy trong thời gian cao điểm của bệnh nguy hiểm này người dân cần chủ động phòng tránh theo khuyến cáo của ngành Y tế, qua đó góp phần không để dịch lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Ý kiến ()