
"Phát triển du lịch rừng gắn với bảo vệ, phát triển, làm giàu rừng"
Đầu tháng 6/2025, UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ miền Đông. Đây được coi là tiền đề xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch rừng khu vực miền Đông, mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch gắn với rừng toàn tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&MT về nội dung này.
![]() - Ông có thể đánh giá tiềm năng, thế mạnh và phát triển du lịch rừng ở Quảng Ninh hiện nay? + Quảng Ninh có diện tích rừng lớn, có nhiều khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng cảnh quan, rừng núi đá, rừng trên cạn, rừng dưới nước… Hệ sinh thái rừng Quảng Ninh đa dạng, phong phú, đan cài tương hỗ nhau, có nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm trong rừng, có những vị trí rừng cảnh đẹp hữu tình. Đó là dư địa rất lớn để Quảng Ninh phát triển du lịch rừng, mở ra hướng phát triển kinh tế rừng bền vững, giá trị cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, bám sát quy định của Nhà nước, nắm bắt thị hiếu du lịch của du khách, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có một số dự án du lịch dựa vào rừng, mang lại sự tươi mới, khác biệt trong bức tranh du lịch vốn bừng sáng và đa sắc màu của Quảng Ninh. Dự án du lịch sinh thái đảo Đá Dựng (xã Đầm Hà) do Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên làm chủ đầu tư, là một trong ít điển hình. Đơn vị này đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích trên 66ha, trong đó 38ha là rừng tự nhiên. Trên quan điểm không tác động rừng, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phát triển dựa vào rừng, bảo vệ và làm giàu rừng, chủ đầu tư đã nghiên cứu, triển khai dự án nghiêm túc, đồng bộ; lấy giá trị thiên nhiên nguyên bản làm cốt lõi và hệ kiến trúc, hạ tầng trên đảo được quy hoạch hài hòa, tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có để xây dựng. Mục tiêu biến đảo Đá Dựng thành điểm du lịch sang trọng mà vẫn gần gũi với thiên nhiên, vẫn tôn trọng, bảo tồn hệ sinh thái bản địa. Đề án du lịch sinh thái rừng phòng hộ miền Đông được cho là sẽ có chuyển động rất nhanh. Theo Đề án, trong gần 1.700ha rừng phòng hộ sẽ hình thành 4 tuyến du lịch và 19 điểm du lịch dựa trên các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, các tuyến đường mòn hiện có. Đề án cũng dành 5% diện tích trong rừng để xây dựng hạ tầng du lịch. Điều này tạo ra sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch rừng phòng hộ miền Đông, cũng là cơ sở cốt lõi để quá trình đầu tư của doanh nghiệp diễn ra một cách đúng hướng, đúng quy hoạch, đúng tiêu chí. Bên cạnh đó, những vị trí rừng phòng hộ tươi đẹp sẽ được các doanh nghiệp chú ý, nghiên cứu, hình thành những dự án du lịch rừng cụ thể, như các khu rừng Yên Tử, Quảng Nam Châu, Trúc Bài Sơn, Đồng Sơn - Kỳ Thượng, cánh rừng thuần loài lát hoa ở Bình Liêu, rừng trâm Minh Châu, rừng tự nhiên tại các tuyến đảo và rừng dọc tuyến đường biên giới… |
- Ngành NN&MT tỉnh đã tham mưu, triển khai những giải pháp gì để phát triển du lịch rừng gắn với gìn giữ và làm giàu rừng?
+ Du lịch rừng đang là hướng mở cho kinh tế rừng của tỉnh phát triển, góp phần quan trọng vào gia tăng sinh kế của người dân sống dựa vào rừng, nâng cao đời sống nhân dân cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chúng tôi nhận thức rất rõ vấn đề đặt ra là cần phải định hướng, quản lý, phát triển du lịch rừng đảm bảo đúng mục tiêu khai thác gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
Thực tế về vấn đề này đã có quy định pháp luật rất chặt chẽ. Đó là các dự án du lịch sinh thái rừng chỉ được phê duyệt khi chiến lược đầu tư thể hiện được tính bảo vệ và giữ vốn rừng, phát triển rừng. Chủ đầu tư có quỹ đất 5% trong rừng để xây dựng, tuy nhiên quỹ đất này được quy hoạch vị trí cụ thể, đảm bảo tiêu chí vị trí đó không có cây rừng, bám các đường vận suất lâm nghiệp, đường mòn, đường dân sinh trong rừng đã hình thành từ lâu. Bên cạnh đó, khuyến cáo các đơn vị doanh nghiệp chỉ xây dựng 2% trong vốn quỹ đất 5% theo quy định. Cùng với đó, các công trình hạ tầng xây dựng trên vốn đất 5% phải đảm bảo kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, không phá vỡ sinh cảnh tự nhiên của rừng… Trong quá trình triển khai các dự án du lịch sinh thái rừng, lực lượng chức năng của ngành sẽ có sự quản lý, giám sát, hướng dẫn, chấn chỉnh rất thường xuyên; phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương đảm bảo phát triển du lịch rừng đúng quan điểm không tác động, không chuyển đổi rừng, ngược lại gia tăng bảo vệ, làm giàu rừng, giữ lại vốn quý cho mãi mai sau.
- Cảm ơn ông!
Ý kiến ()