
Tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 (Wipha) và những tác động của cơn bão
Tỉnh uỷ Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 2874-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 (Wipha) và những tác động của cơn bão số 3.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 16 giờ ngày 21/7/2025, vị trí tâm bão ở khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc, 108.7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 100km; sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h.
Để chủ động ứng phó với bão và hình thái mưa sau bão có khả năng diễn biến phức tạp trong những ngày tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Đảng uỷ UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan, đơn vị:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3; Công điện số 112/CĐ- TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025; Công văn số 2740-CV/TU ngày 29/5/2025 của Thường trực Tỉnh ủy về việc tập trung phòng, chống, ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai; Công văn số 2799-CV/TU ngày 20/6/2025 của Thường trực Tỉnh ủy về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác cả trước, trong và sau khi có bão, đặc biệt là đặc khu Vân Đồn, Cô Tô và các xã, phường ven biển; tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), ngư dân, các nhà bè, người đang có hoạt động sản xuất trên biển, cửa sông, ven bờ về diễn biến của cơn bão số 3 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn; chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu (đê kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản...), vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản; khắc phục nhanh hậu quả do bão và hình thái mưa sau bão gây ra khi có tình huống nảy sinh nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai.
Ngành Than chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3; chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các đơn vị, đặc biệt là những vị trí có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún, bục nước, ngập mỏ...
3. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo địa bàn được phân công theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo hiện trường trong trường hợp cần thiết. Ban Thường vụ các địa phương, trực tiếp là đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3, kịp thời báo cáo những tình huống phức tạp, nảy sinh.
Ý kiến ()