
Quảng Ninh xuyên đêm phòng, chống bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, đêm 21, sáng 22/7, Quảng Ninh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão, chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.Toàn tỉnh tập trung chống bão với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
*/Phường Đông Triều: Sẵn sàng phương án ứng phó khi bão đổ bộ
Theo ghi nhận tại hiện trường vào 1h30 ngày 22/7, trên địa bàn phường Đông Triều chưa xuất hiện mưa lớn, gió giật cấp 6, một số thời điểm có mưa nhỏ. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn duy trì trạng thái trực 100% quân số, sẵn sàng phương án ứng phó khi bão đổ bộ trong vài giờ tới.


Với sự chủ động và quyết liệt của chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân, phường Đông Triều đang nỗ lực cao nhất để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống nhân dân trong mùa mưa bão.

Trước đó, nắm thông tin diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và nguy cơ mưa lớn kèm theo nước biển dâng gây ngập úng tại các vùng trũng thấp, UBND phường Đông Triều đã ban hành Thông báo số 42/TB-UBND yêu cầu các lực lượng, đơn vị, khu phố trên địa bàn thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, các khu phố có tàu thuyền như Hồng Phong, Hưng Đạo, Nguyễn Huệ được yêu cầu duy trì liên lạc thường xuyên với ngư dân, thông báo kịp thời vùng nguy hiểm để đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Công tác kiểm tra, rà soát các khu dân cư vùng trũng thấp, ven sông, các điểm có nguy cơ sạt lở được đẩy mạnh, nhằm chủ động sơ tán dân khi cần thiết. Các lực lượng như Ban chỉ huy quân sự phường, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, các hợp tác xã... đã sẵn sàng phối hợp triển khai phương án tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Đặc khu Cô Tô: Gió cấp 9, giật cấp 11
Từ 0h30 ngày 22/7, trên địa bàn đặc khu Cô Tô có gió to, cấp 9, giật cấp 11, mưa nhỏ, biển động dữ dội.

Trước đó, từ 21h ngày 21/7, toàn bộ đặc khu Cô Tô đã bị mất điện. Các lực lượng chức năng đang triển khai máy phát điện dự phòng tại các địa điểm trọng yếu như trạm y tế, UBND và các điểm sơ tán. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân giữ bình tĩnh, không ra khỏi nhà trong đêm và khi bão chưa tan.
Toàn bộ tàu cá trên địa bàn đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn ngay từ chiều ngày 21/7. Ngư dân đã lên bờ, không để ai ở lại trên thuyền, đảm bảo mọi người đều được an toàn. Các phương án dự phòng về hậu cần, sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra khi bão số 3 đổ bộ. Chính quyền và các lực lượng chức năng duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống, quyết tâm bảo vệ an toàn cho nhân dân.
Hiện, các lực lượng trên địa bàn đặc khu đang duy trì ứng trực xuyên đêm với phương châm 3 trước, 4 tại chỗ.
*/ Các phường Vàng Danh, Uông Bí, Yên Tử: Không để có tình huống bất ngờ
Thời điểm 1h sáng ngày 22/7, trên địa bàn 3 phường Vàng Danh, Uông Bí, Yên Tử có mưa và gió nhỏ. Thời điểm này, lượng nước mặt tiêu thoát khá tốt, không xảy ra tình trạng ngập úng, không gãy đổ cây lớn và tốc mái các công trình xây dựng.
Với đặc thù địa hình của 3 địa phương Vàng Danh, Uông Bí, Yên Tử, nguy cơ ngập úng, sạt lở đất trong cơn bão số 3 là rất cao, nhất là khu vực dọc các tuyến suối Vàng Danh và các vùng dân cư thấp trũng, các vị trí đất đồi yếu và các điểm sạt lở cũ, hậu quả của cơn bão số 3 Yagi hiện đang khắc phục.
Chủ động ứng phó bão số 3 Wipha, 3 địa phương Vàng Danh, Uông Bí, Yên Tử đã sớm xây dựng phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư.
Tại phường Uông Bí, tranh thủ thời điểm thuỷ triều đang ở mức thấp nhất, ngay trong đêm, các lực lượng chức năng đã cho tăng cường tháo xả nước ở các hồ chứa trên địa bàn, tránh nguy cơ ngập úng khi mưa lớn xảy ra.
Trước đó, phường Uông Bí sớm rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các điểm xung yếu trên địa bàn, chủ động các phương án sơ tán, di dời các hộ dân ra nơi an toàn khi cần thiết; rà soát, kiểm tra, nạo vét, khơi thông toàn bộ các tuyến cống thoát nước chính, hệ thống mương thoát nước đô thị, đảm bảo các cửa xả, hố ga không bị tắc nghẽn bởi rác thải, bùn đất; chủ động vận hành 12 cống dưới đê, tiêu nước đệm để đảm bảo tiêu thoát nước; sẵn sàng lực lượng trực 24/24h tại các khu vực tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập để cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại.

Tại Vàng Danh, qua rà soát, trong cơn bão số 3 trên địa bàn có 12 điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở rất cao. Tại mỗi điểm, phường đã xây dựng phương án ứng phó, bố trí nhân lực, phương tiện sẵn sàng triển khai xử lý hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra.
Hiện phường Vàng Danh đã huy động lực lượng gần 1.200 người, trong đó 980 người lực lượng tại chỗ, còn lại là lực lượng thuộc các doanh nghiệp. Nhiều lực lượng thường trực xuyên đêm tại các nhà văn hoá khu. Phường cũng sẵn sàng huy động 35 phương tiện cơ giới các loại; 250 phao các loại, 1.300 bao tải dứa, nhiều vật tư dây thừng, cuốc, xẻng, búa tạ, cào, xà beng, đèn bin, kìm cộng lực cọc tre, đá hộc, cát.
Tại phường Yên Tử, để ứng phó bão số 3, trước đó phường rà soát toàn bộ vật tư tại kho lưu trữ của phường và hiệp đồng sẵn sàng với các đơn vị doanh nghiệp có máy móc, phương tiện trên địa bàn, đồng thời phân công, bố trí lực lượng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Phường bố trí lực lượng thường trực 24/24h ở khu vực tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập khi có lũ, ngập lụt để cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại. Đặc biệt là các trọng điểm sạt lở trên tuyến đường vào nhà máy xử lý rác Khe Giang; cầu Tân Yên 2, hệ thống cống xả tại đê Vành Kiệu 2, cống tiêu thoát nước tại khu Hiệp Thái.
*/ Đặc khu Vân Đồn trực xuyên đêm chống bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS đặc khu Vân Đồn triển khai trực 100% quân số 24/24 giờ, theo dõi, chỉ đạo các lực lượng tại cơ sở chủ động các phương án phòng, chống bão số 3.

Trực tiếp trực, chỉ đạo tại Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS đặc khu tại thời điểm 23h30 phút ngày 21/7, có các đồng chí Cao Tường Huy, Bí thư Đảng ủy đặc khu Vân Đồn; Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND đặc khu Vân Đồn; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS đặc khu.
Tại trụ sở trực chỉ huy, các đồng chí lãnh đạo đặc khu Vân Đồn đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy, lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ tại các địa bàn trực 100% quân số, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình diễn biến của bão; nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống khi xảy ra tình huống xấu.

Trước đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, ngay trong chiều 21/7, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS đặc khu đã chỉ đạo các lực lượng tích cực rà soát và triển khai di dời 1.889 người dân của 617 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão đến những vị trí an toàn là trụ sở các nhà văn hóa, trụ sở cơ quan, đơn vị. Những người dân này được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng cung cấp đồ ăn, đồ uống miễn phí.
*/ Phường Hà An: 600 cán bộ, lực lượng vũ trang và người dân túc trực 24/24 giờ tại 24 thôn, khu
Từ 20h tối ngày 21/7, khi mực thủy triều bắt đầu rút, phường Hà An đã tranh thủ phối hợp với lực lượng thủy nông tổ chức tiêu tháo nước đệm tại các vùng trũng thấp. Việc tiêu thoát nước được xác định là yếu tố then chốt nhằm phòng chống ngập úng khi lượng mưa lớn đổ xuống trong thời gian bão số 3 ảnh hưởng. Trước đó, công tác khơi thông dòng chảy, hệ thống kênh mương nội đồng, cống tiêu cũng được tổ chức đồng bộ nhằm bảo đảm nước được rút nhanh ra ngoài khu vực đê bao.

Đặc biệt, để bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản và bảo đảm an toàn cho các hộ dân làm nghề biển, phường Hà An đã chỉ đạo hoàn thành việc di dời toàn bộ lồng bè nuôi trồng vào khu vực neo đậu an toàn. Đến thời điểm hiện tại, 100% hộ dân làm nghề nuôi biển đã đưa lồng bè về vị trí tránh trú bão. Đồng thời, toàn bộ 401 tàu thuyền cũng đã được đưa vào nơi neo đậu, bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ.

Công tác ứng phó thiên tai cũng được Hà An thực hiện quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đêm 21/7, toàn phường huy động hơn 600 cán bộ, lực lượng vũ trang và người dân túc trực 24/24 giờ tại 24 thôn, khu để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh. Hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo bão, phương án sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm đều được chuẩn bị sẵn sàng.
Ý kiến ()