
Ứng phó bão Wipha: An toàn tính mạng người dân đặt lên hàng đầu
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 3 (bão Wipha) với sức gió mạnh, di chuyển nhanh, phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Với tinh thần “chống bão như chống giặc”, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, không để bị động, bất ngờ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng, trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng; ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất. Từ tối và đêm 21/7, trên đất liền ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Từ khoảng tối 21/7 vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều các ngày từ 21 đến 23/7.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh đã huy động tổng lực hơn 2.660 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện cơ giới, tàu thuyền, xuồng cứu hộ ứng trực tại các địa bàn xung yếu. Riêng tại đặc khu Cô Tô, lực lượng chức năng đã tổ chức 44 chuyến tàu đưa 8.850 du khách về đất liền an toàn trong ngày 20/7, đảm bảo không để người dân và du khách bị kẹt lại trên đảo khi bão đổ bộ.
BĐBP tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời bố trí 160 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều tàu, xuồng, phương tiện ứng trực 24/24h tại đơn vị, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện trên biển. Công tác chằng chống nhà cửa, gia cố công trình và neo đậu tàu thuyền được triển khai khẩn trương, đặc biệt tại các khu vực ven biển và nuôi trồng thủy sản.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương cũng đã trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra các điểm xung yếu về đê điều, hồ đập, khu vực nuôi trồng thủy sản và vùng nguy cơ sạt lở. Tại các nơi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh yêu cầu “không được chủ quan, lơ là; tuyệt đối không để thiệt hại về người”, đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng. Chính quyền cơ sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội và các tổ dân phố, liên tục cập nhật thông tin về diễn biến bão, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản và chuẩn bị nhu yếu phẩm dự phòng. Hệ thống đê điều, hồ đập và kênh tiêu được kiểm tra, nạo vét để phòng ngừa mưa lớn kéo dài gây ngập úng. Tại những vùng nguy cơ cao về sạt lở đất, lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Đặc biệt, tại các vị trí xung yếu, những vùng nguy cơ cao về sạt lở đất, các địa phương đã thành lập tổ công tác túc trực 24/24h, rà soát và gia cố nhà yếu, công trình công cộng, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn. Điển hình như phường Hòn Gai ngay từ ngày 19/7, UBND phường đã tiến hành kiểm tra, rà soát, yêu cầu người dân tại các địa điểm có nguy cơ mất an toàn như khu Yết Kiêu 5, khu Trần Hưng Đạo 4, chung cư 5 tầng Bạch Long, chung cư lô A và lô C khu tập thể bệnh viện.
Tại đây, lực lượng chức năng đã tổ chức vận động di dời tổng cộng 60 hộ dân đến nơi ở tạm an toàn do phường bố trí. Trong đó, 25 hộ dân tại chung cư 5 tầng Bạch Long được phường bố trí 20 căn hộ thuộc dự án Khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp khu mua sắm tại phường Bạch Đằng (cũ); 7 hộ dân tại chung cư lô A khu tập thể bệnh viện được bố trí ở tại 2 căn nhà thuộc tài sản công (trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh và trụ sở BHXH tỉnh trên đường Lê Thánh Tông); 28 hộ dân tại chung cư lô C khu tập thể bệnh viện được bố trí tới ở Nhà văn hoá khu Bạch Đằng 5 và Trường Mầm non Bạch Đằng (cơ sở 2).
Phường đã kiểm tra, rà soát, lập danh sách 33 khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập úng, sụt lún; tổ chức cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các điểm xung yếu. Đồng thời, phường yêu cầu các chủ đầu tư công trình đang thi công trên địa bàn bố trí lực lượng túc trực 24/24h, có phương án che chắn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện…
Xã Tiên Yên cũng đã khẩn trương ban hành kế hoạch, phương án phòng chống bão số 3 và thành lập các tổ công tác kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, công trình thủy lợi, đầm nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè và các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở do hoàn lưu sau bão, để có phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, huy động các lực lượng chức năng tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chằng chống lồng bè. Công tác ứng phó bão số 3 tại xã Tiên Yên được triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”, sát với điều kiện thực tiễn, đảm bảo sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó; ứng trực 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để có các biện pháp chủ động ứng phó đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân và các lực lượng chống bão.

Đặc biệt, phát huy vai trò của tuổi trẻ, Đoàn Thanh niên các cấp đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, xung kích, trách nhiệm trong hỗ trợ nhân dân phòng tránh trước, trong và khắc phục hậu quả sau bão. Theo đó, từ ngày 20/7, Đoàn Thanh niên tất cả các địa phương trong tỉnh đã thành lập các đội hình thanh niên xung kích do trực tiếp các Bí thư Đoàn xã, phường, đặc khu làm đội trưởng, phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương, trực tiếp xuống địa bàn dân cư tuyên truyền cho người dân nắm bắt tình hình bão, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các phương án sơ tán và phòng tránh theo khuyến cáo; đồng thời, hỗ trợ người dân các phương án phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, như tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, hướng dẫn người dân neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão an toàn.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo trong quá trình triển khai các hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện, các cấp bộ đoàn cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tình nguyện viên; đảm bảo thông tin thông suốt và trang bị phương tiện bảo hộ, kỹ năng ứng phó cơ bản và sơ cấp cứu. Tuyệt đối không phân công nhiệm vụ vượt quá khả năng chuyên môn, điều kiện an toàn của tình nguyện viên; không tham gia các hoạt động khi bão lũ đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Các đội hình tình nguyện ứng phó với bão của đoàn viên, thanh niên cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương như quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải… và thực hiện đảm bảo yêu cầu theo phương án ứng phó liên ngành của địa phương...
Theo dự báo, từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Quảng Ninh có mưa rất to, lượng mưa có thể đạt 200-350mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục trực canh 24/24h, đặc biệt tại các điểm xung yếu, đồng thời chuẩn bị phương án khắc phục hậu quả ngay sau khi bão tan. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, Quảng Ninh đang triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3. Tinh thần “an toàn tính mạng con người là ưu tiên số một” được đặt lên hàng đầu, với quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Ý kiến ()