![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Phát triển con người Quảng Ninh toàn diện
Chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo mức độ phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Với ba tiêu chí sức khỏe, giáo dục và thu nhập, HDI còn phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân. Tại Quảng Ninh, trong định hướng phát triển, tỉnh luôn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế song song với phát triển con người toàn diện gắn với tiêu chí nhân dân hạnh phúc. Điều này được minh chứng rõ ràng qua chỉ số HDI, nhiều năm liền, Quảng Ninh đứng thứ 6 trong số các tỉnh, thành có chỉ số phát triển con người cao trong cả nước.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311694_2266049_2167182_2141600_can_bo_nguoi_dan_tp_ha_long_trong_cay_chung_tay_xay_dung_nong_thon_moi_tai_cac_ky_thuong_13141726_16041303_11523507_08013810.jpg)
Coi trọng chất lượng đời sống nhân dân
Xác định con người là yếu tố cốt lõi, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, do đó, trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư cho con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường đổi mới, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo làm cơ sở để các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tập trung tạo môi trường giáo dục, rèn luyện con người Quảng Ninh phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm, trình độ năng lực sáng tạo, có khả năng thưởng thức và sáng tạo cái đẹp, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Với sự quan tâm của tỉnh, những năm qua, mạng lưới y tế đã được đầu tư phát triển rộng khắp, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân, cải thiện chất lượng dân số, nâng cao tuổi thọ cho nhân dân. Hiện nay, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, với hơn 200 trạm y tế, phòng khám, bệnh viện, trung tâm y tế từ tỉnh đến xã, tạo thuận lợi cho mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế từ cơ bản đến y tế chuyên sâu, chất lượng cao. Ông Triệu Văn Dũng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Chúng tôi rất yên tâm khi giờ đây ở bệnh viện tuyến huyện cũng đã có thể điều trị những ca bệnh khó mà trước đây phải lên tuyến trên.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311695_2266060_2141673_co_so_vat_chat_thiet_bi_tai_cac_co_so_y_te_tren_dia_ban_tinh_duoc_dau_tu_thoa_dang_anh_phong_mo_thong_minh_tai_benh_vien_bai_chay_1412_08021210.jpg)
Hằng năm, tỉnh đều quan tâm đến công tác thu hút, đào tạo nhân lực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị y tế triển khai phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đáng chú ý, trong năm 2023 và năm 2024, các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa.
Các chương trình y tế được quan tâm triển khai nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng, như: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và hỗ trợ người khuyết tật; phòng chống HIV/AIDS... Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tốt với tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 95,8%. Toàn tỉnh hiện có 95,56% dân số tham gia BHYT, cao hơn mục tiêu chung toàn quốc là 94,1% dân số tham gia BHYT. Ngoài ra, việc xây dựng con người Quảng Ninh phát triển về thể chất, cải thiện tầm vóc, thể trạng cũng được quan tâm thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thể dục thể thao quần chúng, hoạt động thể thao thành tích cao. Nhờ đó, sức khỏe của người dân ngày một cải thiện. Theo dự báo, đến cuối năm nay, tuổi thọ trung bình của người dân Quảng Ninh là 75 tuổi.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311697_z6300530996763_61f2bd3060f70ce600f5e2bb0c038fa1_08032510.jpg)
Cùng với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, việc phát triển con người Quảng Ninh có tri thức, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện để mọi học sinh ở mọi vùng miền trong tỉnh, nhất là những khu vực miền núi, hải đảo được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được học tập trong môi trường tốt nhất. Hàng năm, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục của tỉnh luôn đạt trên 20% tổng chi ngân sách hàng năm. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã đầu tư cho giáo dục với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng... Toàn tỉnh hiện có 637 cơ sở giáo dục ở các cấp học. Hệ thống trường lớp được phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, bố trí ở những khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đến trường học tập. Toàn tỉnh hiện có 22 trường học chất lượng cao đã được xây dựng, đưa vào sử dụng, mang lại điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh toàn tỉnh.
Tỉnh, ngành Giáo dục tích cực xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng... Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên Quảng Ninh có tỉ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên tương đối cao so với trung bình chung của cả nước ở tất cả các cấp học, bậc học. Ngành Giáo dục tỉnh hiện có 121 Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311708_2247929_img_6842_12490520_08075510.jpg)
Đồng thời với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo kiến thức, tri thức, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực thực hành cho học sinh, sinh viên được các cơ sở giáo dục phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai hiệu quả. Mỗi năm, khoảng 80% các trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và cách mạng của địa phương. 100% học sinh tham gia các chương trình học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, và ứng xử văn hóa tích hợp trong các giờ học chính khóa.
Với quan điểm lấy chất lượng đời sống của nhân dân làm thước đo phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh đã chú trọng giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Trong đó, trọng tâm là nâng cao mức thu nhập cho người dân nông thôn, miền núi, hải đảo và giảm nghèo bền vững. Quảng Ninh đã ban hành, triển khai hàng loạt nghị quyết về xây dựng chương trình nông thôn mới, phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đưa cuộc sống người dân khu vực này tiệm cận gần hơn với thành thị.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311710_z6300519166463_e93d6d767e5e7f4dcc23586589631e73_08082610.jpg)
Các chính sách hỗ trợ khác dành cho hộ nghèo, cận nghèo như: Cấp thẻ BHYT, hỗ trợ cước thuê bao điện thoại di động, khám chữa bệnh, học phí, điện sinh hoạt... cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh chính sách về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh cũng tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, tính đến năm 2024, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 10.272 USD, tăng 7,7% cùng kỳ năm 2023 với năng suất lao động xã hội đạt 569,6 triệu đồng/người. Hiện toàn tỉnh còn 8 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,002%, 1.237 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 0,321% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311712_2288339_2260129_cong_nhan_chi_nhanh_cong_ty_tnhh_yazaki_hai_phong_viet_nam_tai_quang_ninh_kcn_dong_mai_da_quay_tro_lai_lam_viec_binh_thuong_ngay_sau_c_08084810.jpg)
Không ngừng cải thiện chỉ số phát triển con người
Theo Đề án nâng cao chỉ số HDI Quảng Ninh giai đoạn 2025-2030 vừa mới được ban hành đầu năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu chăm lo phát triển con người một cách toàn diện, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, phát huy nội lực và tiềm năng của tỉnh trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, phấn đấu chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Nhiều chỉ tiêu cụ thể cho các chỉ số thành phần cũng đã được đề ra như: Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 19.000-20.000USD vào năm 2030, toàn tỉnh không còn hộ nghèo; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 96,8%, đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH, THCS mức độ 3. Hàng năm, 100% cơ sở y tế từ cấp xã đến tỉnh được rà soát để mua sắm bổ sung, sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất; tỷ lệ BHYT đạt 97%; nâng tuổi thọ trung bình của người dân lên 77 tuổi.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311731_z6300529135355_a98e36e6732c42aa4e135da9abcaf4c8_08093510.jpg)
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh cũng đang tập trung rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách về chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng dân số, nâng cao nhân lực ngành Y tế. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ, đồng đều, cân đối giữa y tế dự phòng và y tế điều trị, chú trọng y tế cơ sở đảm bảo tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển các cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao để người dân rèn luyện sức khỏe cũng như chú trọng bảo vệ, giữ gìn môi trường sống ở đô thị, nông thôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
Trong giáo dục, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng lộ trình hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, đặc biệt là hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, hỗ trợ tài chính và điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo viên, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Thực hiện tốt chính sách về giáo dục nghề nghiệp đảm bảo gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311737_z6300527056221_fd66e2dd6bb56b4388e01d628def0f3d_08095610.jpg)
Về tiêu chí thu nhập, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào tăng năng suất, chất lượng KHCN, đổi mới sáng tạo; phát triển khu vực dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Trong đó, Hạ Long là trung tâm du lịch biển hiện đại, văn minh tầm cỡ quốc tế; Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao, khu vực chơi giải trí đẳng cấp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM và chương trình OCOP; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đa dạng sinh kế cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo…
Với những giải pháp đó, Quảng Ninh quyết tâm nâng cao chỉ số HDI, từng bước phát triển con người toàn diện, có tri thức, trí tuệ, có sức khỏe, tự tin, lấy con người làm sức mạnh nội sinh, đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Ý kiến ()