Phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ
Báo Tiền Phong sau khi đăng bài báo “Mẹ phu hồ, con thủ khoa 30 điểm”, viết về hoàn cảnh của thí sinh Chu Thị Kim Liên, thôn Châu Xá, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vừa đỗ thủ khoa ĐH Y Thái Bình với số điểm tuyệt đối 30/30 (khối B) vừa đỗ Học viện Tài chính 28,75 điểm (khối A) đã nhận được sự chia sẻ của bạn trong nước và ngoài nước.
Kỳ tuyển sinh đại học năm nay, cả nước có 43 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30. Trong số đó có không ít những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn như thí sinh Chu Thị Kim Liên.
Thủ khoa ĐH Huế 29,5 điểm là thí sinh Phan Ngọc Cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Cảnh còn đạt 27,5 điểm vào ĐH Y dược Huế. Người thân của Cảnh đang tính thế chấp nhà để cho em theo học tiếp. Thí sinh Trương Minh Hoàng, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nhà nghèo, vừa chăn bò vừa học bài đã đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngành dầu khí 29,5 điểm. Vì hoàn cảnh, đã nhiều lần bố mẹ Hoàng định cho em nghỉ học, ngay cả món tiền 500 ngàn đồng mượn cho Hoàng đi thi sau 1 tháng vẫn chưa kịp trả. Thủ khoa ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh vừa học vừa giúp mẹ bán bánh xèo. Đó là thí sinh Võ Minh Hải ở góc đường Đồng Khởi - Trường Chinh, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thủ khoa với 29,5 điểm. “Con đỗ thủ khoa, mẹ lo bán lợn, bán thóc...”. Đó là tên một bài báo viết về thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Quốc Đạt (29,75/30 điểm), ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo, bố Đạt là bộ đội lái xe Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu. Thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Lê Đình Hưng (30/30 điểm), thôn Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa từng cấy lúa thuê. Hưng còn đạt 28,5 điểm thi vàoTrường ĐH Y Hà Nội, chỉ kém thủ khoa trường này 1 điểm. Phạm Văn Huy từ Bắc Ninh cùng bố lên Hà Nội thuê nhà trọ, bươn chải kiếm sống, chuyên bán nước rửa bát và học chuyên tin ĐH Sư phạm Hà Nội đã đỗ thủ khoa 30 điểm ĐH Bách khoa Hà Nội (khối A) và đỗ ĐH Y Hà Nội (khối B) với 28 điểm. Thủ khoa chăm việc nhà, có quyết tâm chống tham nhũng là Đào Đức Tùng, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trước khi thi ĐH, bố khuyên Tùng nên dự thi vào ĐH Bách khoa. Tùng không ưng, nhất quyết thi vào ĐH Xây dựng. Tùng nói với phóng viên Tiền Phong: “Đọc báo, xem ti vi thấy có những người “rút ruột” công trình, em ức lắm. Chỉ mong sau này mình trở thành kỹ sư giám sát công trình, góp phần tạo nên những công trình đẹp, chất lượng, ý nghĩa”...
Việc bồi dưỡng khuyến khích tài năng trẻ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã nhấn mạnh tới việc coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có xác định tiêu chí và phương pháp khoa học để phát hiện, theo dõi quá trình phát triển các tài năng trẻ, nhất là số học sinh, sinh viên xuất sắc, cá nhân điển hình trong các phong trào thanh niên. Xây dựng chương trình đào tạo thích hợp để hình thành đội ngũ tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Ý kiến ()