
Ô nhiễm không khí có thể gây đột biến DNA dẫn đến ung thư phổi ở người không hút thuốc
Nghiên cứu mới đây đã phát hiện mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nhiều loại đột biến DNA gây ung thư phổi, đặc biệt ở những người được chẩn đoán mắc bệnh mặc dù chưa từng hút thuốc lá.
Theo The Guardian (Anh), kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân ung thư phổi ở nhiều quốc gia đã giúp giải thích nguyên nhân khiến tỷ lệ người không hút thuốc mắc ung thư phổi ngày càng gia tăng. Đây được các nhà khoa học đánh giá là “vấn đề cấp bách và ngày càng nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu”.
Giáo sư Ludmil Alexandrov, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học California, San Diego, cho biết: “Chúng tôi từng ghi nhận xu hướng gia tăng ung thư phổi ở người chưa từng hút thuốc, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Nghiên cứu mới cho thấy ô nhiễm không khí liên quan mật thiết đến các đột biến DNA mà trước đây chủ yếu liên quan đến việc hút thuốc lá”.
Nghiên cứu thuộc dự án Sherlock-Lung đã phân tích toàn bộ bộ gien của các khối u phổi lấy từ 871 bệnh nhân chưa từng hút thuốc ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi và châu Á. Kết quả cho thấy ở những vùng có mức ô nhiễm không khí cao, các khối u chứa nhiều đột biến thúc đẩy ung thư hơn so với các vùng ít ô nhiễm.
Đặc biệt, các hạt bụi mịn (PM2.5) được xác định có liên quan mật thiết với các đột biến trong gen TP53 – một gien nổi tiếng gắn liền với tác hại của hút thuốc lá. Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm cũng có telomere (đoạn DNA bảo vệ ở đầu nhiễm sắc thể) bị rút ngắn nhanh hơn, được xem là dấu hiệu của quá trình lão hóa tế bào sớm.
Tiến sĩ Maria Teresa Landi, nhà dịch tễ học của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), nhấn mạnh: “Ô nhiễm không khí là một vấn đề cấp thiết, ngày càng nghiêm trọng và chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để làm rõ cơ chế tác động”.
Trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc đang giảm tại nhiều quốc gia phát triển như Anh và Mỹ, nhóm người chưa từng hút thuốc chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng số bệnh nhân ung thư phổi. Ước tính hiện nay khoảng 10 - 25% ca ung thư phổi được chẩn đoán ở nhóm này, trong đó phần lớn là dạng ung thư tuyến (adenocarcinoma).
Ung thư phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn cầu với khoảng 2,5 triệu ca mới mỗi năm. Ít nhất 1 triệu ca tử vong trong số này xảy ra tại Trung Quốc, nơi mà hút thuốc, ô nhiễm không khí và các tác nhân môi trường khác đóng vai trò quan trọng.
Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ adenocarcinoma liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất tập trung ở Đông Á. Tại Anh, mặc dù số ca thấp hơn nhiều nhưng vẫn ghi nhận hơn 1.100 ca mới mỗi năm.
Bài báo đăng trên tạp chí Nature cũng chỉ ra mức tăng nhẹ các đột biến gây ung thư ở những người tiếp xúc khói thuốc lá thụ động. Ngoài ra, nghiên cứu còn cảnh báo rủi ro từ một số loại thuốc thảo dược Trung Quốc chứa acid aristolochic, với các đột biến đặc trưng xuất hiện gần như chỉ ở người chưa từng hút thuốc tại Đài Loan.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một dạng đột biến mới hoàn toàn bí ẩn chỉ có ở người chưa từng hút thuốc, chưa từng được ghi nhận trước đây.
“Đây là một hiện tượng hoàn toàn khác biệt”, Giáo sư Alexandrov nhận định.
Ý kiến ()