
Đội ngũ cán bộ, công chức bắt nhịp công việc theo yêu cầu mới
Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với nhiều nội dung công việc được thực hiện suôn sẻ, đồng bộ ngay từ những ngày đầu. Đội ngũ CBCCVC tại các xã, phường, đặc khu đang nỗ lực thích ứng với yêu cầu mới, không ngừng cố gắng xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm.
Cùng với các xã, phường và đặc khu trên địa bàn tỉnh, phường Yên Tử chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7. Hiện tại, tổng số CBCCVC-NLĐ của phường là 83 người, bao gồm 35 người từng công tác ở cấp tỉnh và cấp huyện, 48 người ở cấp xã. Trong đó có 32 người có trình độ thạc sĩ, 47 người có trình độ đại học. Ngay khi vận hành bộ máy mới, với khối lượng công việc và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra lớn, mỗi CBCCVC đã xác định rõ tinh thần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn so với trước đây.
Ông Mạc Xuân Tú, Chủ tịch UBND phường Yên Tử, cho biết: Từ thời điểm tiếp nhận đến khi chính thức đi vào hoạt động là một giai đoạn đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ CBCCVC. Địa phương luôn xác định rõ tâm thế chủ động, quyết liệt, linh hoạt, gần dân. Trong tổ chức bộ máy, địa phương đã khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của từng đồng chí thành viên UBND phường để tổ chức triển khai nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn nhanh chóng phân công đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt ngay từ những ngày đầu.
Cùng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Phòng Kinh tế - một trong 3 phòng chuyên môn nghiệp vụ của xã Quảng Hà đã khẩn trương triển khai công việc ngay từ những ngày đầu. Theo đó, Phòng Kinh tế xã Quảng Hà tập trung tham mưu, giúp UBND xã thực hiện các nội dung thuộc các lĩnh vực: Tài chính, kế hoạch, đầu tư, thống kê; đăng ký hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể; nông nghiệp và môi trường; phòng, chống thiên tai, giảm nghèo; chất lượng và an toàn thực phẩm...

Ông Vũ Anh Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế xã Quảng Hà, cho biết: Đơn vị hiện có 14 cán bộ, trong số này có những người từng công tác tại cấp xã, cấp huyện trước đây. Qua rà soát, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đa dạng. Để bắt nhịp nhanh với khối lượng công việc và tính chất quản lý đa ngành của một phòng chuyên môn cấp xã, đơn vị đã đánh giá cụ thể năng lực từng cá nhân, từ đó phân công nhiệm vụ theo đúng thế mạnh của mỗi người.
Cấp xã là cấp gần dân nhất, trực tiếp giải quyết các công việc hằng ngày của nhân dân. Vì vậy, tổ chức bộ máy cấp xã cần thực hiện một cách khoa học, hiệu quả; năng lực, chất lượng đội ngũ CBCC phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu mới.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ xã, phường, đặc khu đáp ứng yêu cầu trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động, sớm ban hành hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, hướng dẫn khung tiêu chuẩn tạm thời và định hướng bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp tổ chức bộ máy các xã, phường, đặc khu. Đồng thời, cho chủ trương về phương án cán bộ, gồm: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã thành lập mới đối với 174 trường hợp và đã thực hiện quy trình công tác cán bộ, lấy ý kiến nơi đến, nơi đi cũng như cá nhân cán bộ theo quy định về nhân sự dự kiến giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã mới đối với 32/174 trường hợp.
Cùng với đó, thành lập Tổ rà soát về phương án nhân sự, tổ chức bộ máy các xã, phường, đặc khu để rà soát, thẩm định trước khi quyết định phương án nhân sự, tổ chức bộ máy các xã, phường, đặc khu khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, bảo đảm chặt chẽ theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung theo dõi, bám sát địa bàn chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng phương án nhân sự của các địa phương đảm bảo theo quy định.
Trước khi chính thức đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vào vận hành, tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ xã, phường, đặc khu. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức cần thiết, như: Công tác tổ chức xây dựng Đảng; chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; nghiệp vụ triển khai nhiệm vụ của Thường trực HĐND xã, phường, đặc khu sau sắp xếp… Đội ngũ CBCCVC cơ sở đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bước đầu, qua đó góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý trong bối cảnh chuyển đổi mô hình hành chính.
Việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, mà còn là bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý, quản trị, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Chính những nỗ lực thầm lặng, nhưng đầy trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC các xã, phường, đặc khu đã tạo nền móng vững chắc cho sự thành công bước đầu của quá trình chuyển đổi này.
Ý kiến ()