
Ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng vào địa bàn vùng sâu
Những năm gần đây, đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa được cải thiện nhiều, kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên rõ rệt. Thế nhưng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng âm thầm len lỏi qua các phiên chợ vùng biên, quầy tạp hóa nhỏ lẻ, thậm chí là các kênh bán hàng online - nơi người tiêu dùng còn khá “dễ tính” với chất lượng sản phẩm.
Trong tháng 6/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Chi cục QLTT Quảng Ninh tổ chức kiểm tra 28 trường hợp, phát hiện xử lý 27 vụ/27 đối tượng vi phạm hành chính về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng số tiền trên 264 triệu đồng (phạt vi phạm hành chính trên 166 triệu đồng thu nộp ngân sách; trị giá hàng hoá tiêu huỷ là trên 98 triệu đồng). Trong đó, số vụ việc vi phạm liên quan tới ATTP là 17 vụ; hàng giả là 7 vụ; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là 3 vụ - đều là các loại mỹ phẩm nước ngoài.
Đáng nói, tình trạng hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn được ghi nhận phổ biến. Tại nhiều quầy hàng kinh doanh quần áo cũng như mỹ phẩm trên địa bàn các địa phương vùng cao như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, địa bàn các phường Móng Cái…, vẫn ghi nhận tình trạng các mặt hàng gắn logo các hãng như Adidas, Nike, thậm chí các loại túi xách, mỹ phẩm mang thương hiệu Chanel, Gucci, LV… được bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Đa phần người kinh doanh đều nhận biết việc sản phẩm của mình đều là hàng vi phạm, hàng nhái, song với tâm lý chỉ kinh doanh số lượng ít, không ảnh hưởng gì, hàng tồn từ lâu… nên vẫn cố bán nốt. Tuy nhiên qua việc xử phạt và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, những chủ cơ sở vi phạm đã nâng cao ý thức về hành vi kinh doanh của mình là vi phạm và cam kết không tái phạm.

Việc các địa bàn giáp biên, hoặc gần với vùng biên, cũng dẫn đến việc không ít các mặt hàng từ bên kia biên giới xuất hiện trên thị trường theo con đường “tiểu ngạch”, nhất là với các loại thực phẩm. Với tâm lý đây đều là các sản phẩm đang được lưu hành ở thị trường khác, nhiều người vẫn cho rằng, đó là sản phẩm an toàn cho sức khoẻ, mà quên mất rằng khâu bảo quản, vận chuyển, cũng cần phải đặc biệt lưu ý, nếu không sẽ dễ dàng khiến một sản phẩm thực phẩm hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Bên cạnh đó, việc những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng vẫn có thể tồn tại và lưu hành trên thị trường cũng có nguyên nhân đến từ thói quen “dễ tính” của người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc mua sắm trên các trang mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần có mạng internet, người tiêu dùng có thể mua được hầu hết các mặt hàng, trong mọi tầm mức giá cả, mọi thương hiệu… một cách dễ dàng. Điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng trẻ tuổi, dễ bị “sa” vào cái “bẫy tiêu dùng giá rẻ”, chấp nhận sử dụng các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng với một mức giá mềm hơn rất nhiều lần so với hàng thật.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ, họ hay mua hàng trên các nền tảng như Shopee, Tiktok, hàng hoá rất đa dạng, cập nhật, rẻ, hay có các chương trình giảm giá, phù hợp với túi tiền của học sinh và không mấy quan tâm đến nguồn gốc hay chất lượng hàng hoá...

Không để những địa bàn vùng cao, vùng sâu trở thành "điểm đến" của hàng hóa kém chất lượng, các lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6 tháng đầu năm 2025, Đội QLTT số 8, Chi cục QLTT Quảng Ninh đã phát hiện xử lý 66 vụ/66 đối tượng/68 hành vi vi phạm với tổng số tiền trên 450 triệu đồng. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là cả đối với các hoạt động kinh doanh online, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.
Ý kiến ()