
Đảm bảo xử lý hiệu quả tài sản công sau sáp nhập
Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương báo cáo toàn diện kết quả thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ mốc chính thức vận hành bộ máy mới (ngày 1/7/2025). Đây là thời gian để đánh giá đầy đủ, thực chất tình hình nhà, đất dôi dư và có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực công.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Phương án bố trí, phân chia, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được các cấp thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng, phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Các địa phương đã rà soát, kiểm kê thực trạng, bàn giao tài sản, trụ sở, sổ kế toán, hồ sơ đất đai đầy đủ, đảm bảo tiến độ phục vụ công tác sáp nhập đơn vị hành chính. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc rà soát, có phương án xử lý cụ thể tài sản dôi dư sau sắp xếp, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí. Đến nay, việc sắp xếp tài sản công trong toàn tỉnh được thực hiện đúng lộ trình, khai thác tối đa công năng trụ sở, tài sản, trang thiết bị, đảm bảo tránh lãng phí, thất thoát. Toàn bộ tài sản đều được lập danh mục, ghi nhận đầy đủ hiện trạng, hồ sơ pháp lý, bàn giao theo quy trình thống nhất. Những tài sản còn giá trị sử dụng được điều chuyển phục vụ cơ quan, đơn vị mới; những trụ sở, công trình dư thừa chuyển đổi công năng hoặc bán đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách.
Qua rà soát cho thấy, tổng số trụ sở làm việc của cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh là 376 trụ sở. Số đề nghị tiếp tục giữ lại sử dụng là 228 trụ sở; trong đó, trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND cấp huyện dự kiến bố trí cho các phường trung tâm (riêng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND thành phố Hạ Long thực hiện bố trí trụ sở làm việc cho HĐND tỉnh; Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể). Số dôi dư là 148 trụ sở (không tiếp tục sử dụng là 123 trụ sở; đề xuất phương án khác là 25 trụ sở), trong đó chủ yếu là trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND các phường sáp nhập, trụ sở các phòng, ban, đơn vị chuyên môn cấp huyện.
Tài sản trụ sở nhà, đất dôi dư, không sử dụng được đề xuất xử lý theo 2 phương án: Xử lý tài sản theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...); chuyển giao nhà, đất trụ sở cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;…), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã hoàn thiện phương án sắp xếp, điều chuyển 108 xe ô tô do cấp huyện quản lý (67 xe công tác, 41 xe chuyên dùng). Trong đó, theo định mức xe ô tô phục vụ công tác chung (tối đa 2 xe/xã) so với số xe phục vụ công tác hiện có (67 xe) tại 54 ĐVHC cấp xã mới sẽ không dôi dư xe ô tô phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng.
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp, bảo quản và xử lý tài sản công sau sáp nhập là nhiệm vụ quan trọng, tránh nguy cơ lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước. Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng các ngành, các địa phương của Quảng Ninh đã khẩn trương kiểm kê, bố trí lại tài sản để khai thác tối đa công năng, kịp thời đáp ứng hoạt động của chính quyền, không để gián đoạn phục vụ nhân dân.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các địa phương phải công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất dôi dư sau 90 ngày kể từ khi triển khai bộ máy mới (từ 1/7). Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: "Địa phương bây giờ có thể báo cáo dôi dư trụ sở, nhà đất nhưng các cơ sở này phải bố trí cho các cơ quan trung ương tại địa phương, hoán đổi với nhau, và sử dụng cho các mục đích khác nên có thể nay dư mai lại thiếu".
Do đó, Bộ Tài chính đang yêu cầu từng địa phương báo cáo kết quả xử lý cụ thể sau 90 ngày triển khai. Sau khi kết thúc giai đoạn rà soát này, cơ quan chức năng mới đủ căn cứ để tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất công dôi dư.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công, theo dõi để hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Ý kiến ()