
Nông dân bắt nhịp chuyển đổi số
Nắm bắt xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng kết nối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội (MXH) để tăng doanh thu bán hàng.

Anh Lê Văn Đức (khu Thủ Dương, phường Hưng Đạo, TP Đông Triều) có nghề kinh doanh hạt giống hoa, rau và cây cảnh từ nhiều năm nay. Nắm bắt được những thay đổi trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng, từ năm 2019 đến nay, ngoài phương thức bán hàng truyền thống, anh còn giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TikTok, Tiki… và các nền tảng MXH như Zalo, Facebok. Nhờ đó, các sản phẩm đã nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng trong toàn quốc. Đến nay, doanh thu của anh đã đạt từ 500-700 triệu đồng/năm, trong đó bán qua sàn TMĐT và MXH chiếm tới 80%.
Theo anh Đức, bán hàng qua các sàn TMĐT có nhiều thuận lợi, như: Được tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng; giảm chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển; dễ dàng quản lý đơn hàng và thanh toán. Đặc biệt, người bán còn có thể sử dụng các công cụ theo dõi hiệu suất do sàn cung cấp để đánh giá doanh thu, sản phẩm bán chạy và hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó điều chỉnh việc kinh doanh cho phù hợp.
Được thành lập từ năm 2022, Tổ hợp tác chè Loan Bính (thôn 5, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà) có 21 thành viên với tổng diện tích chè nguyên liệu 3,5ha. Mục tiêu hoạt động của tổ là xây dựng quy trình canh tác, sản xuất và chế biến chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn OCOP, nâng cao chất lượng, giá trị, sản phẩm chè để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, sản lượng bình quân của tổ đạt 50 tấn chè búp tươi, tương đương 10 tấn chè khô thành phẩm/năm. Tổ có 2 sản phẩm là Hồng Trà và Chè Nõn đã được chứng nhận OCOP 3 sao và gắn mã vạch, mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 1 sản phẩm là trà Ngọc Thúy Loan Bính đang đăng ký tham gia sản phẩm OCOP cấp huyện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản vật của địa phương đến với khách hàng gần xa, ngoài việc tăng cường xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm thương mại do tỉnh, huyện tổ chức, tổ còn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và MXH.

Mặc dù đã bước sang tuổi U70 nhưng bà Đào Thị Bính, Tổ trưởng Tổ hợp tác vẫn thường livestream trên Facebook giới thiệu chi tiết quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap để khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Nhờ tích cực chuyển đổi số, doanh thu của tổ đã tăng 30% so với trước đây.
Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân (HVND) về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số (CĐS), cũng như cách thức sản xuất, quản lý, kinh doanh và tiêu thụ nông, lâm thủy sản an toàn, năm 2024, Hội nông dân (HND) tỉnh đã tổ chức 22 hội nghị tập huấn cho 1.905 lượt người về CĐS trong nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn HVND tạo tài khoản, viết bài, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn TMĐT, MXH; sử dụng phương phức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch điện tử; tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu truy suất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn, ứng dụng CNTT truy suất nguồn gốc sử dụng QR-code, minh bạch đến người tiêu dùng; Hướng dẫn 29.356 HVND cài đặt ứng dụng “Nền tảng số Nông dân Việt Nam”; Hỗ trợ 5.624 HVND có tài khoản trên sàn TMĐT, trong đó 1.800 tài khoản có phát sinh giao dịch. Ngoài ra, Hội còn thành lập và ra mắt được 5 mô hình Câu lạc bộ nông dân với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân tại huyện Vân Đồn và TP Đông Triều với 75 hội viên tham gia.
Ý kiến ()