
Tập trung phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH, giảm nghèo và tăng thu nhập bền vững cho nhân dân.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Nhờ việc lan tỏa mạnh mẽ Chương trình xây dựng NTM đến các tầng lớp nhân dân, gia đình bà Phí Thị Oanh (thôn Tân Hợp, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất ruộng sang trồng ổi theo hướng VietGAP. Từ việc trồng ổi, gia đình bà Oanh đã ổn định đời sống với thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Bà Oanh chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng cây ổi theo hướng VietGAP, gia đình tôi sử dụng bón phân vi sinh, đảm bảo chất lượng ổi sạch đến với người tiêu dùng, nên vì thế thu nhập cũng dần ổn định hơn.

Còn tại thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, gia đình anh Đặng Văn Giang đã quyết định cải tạo hơn 3,5ha đất ruộng chua canh tác kém hiệu quả và thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang để trồng chanh leo. Anh Giang cho biết cây chanh leo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên anh đã áp dụng phương pháp trồng theo hướng công nghệ cao. Từ đó, cây chanh leo phát triển tốt, dự kiến chanh leo mỗi năm cho sản lượng 50 tấn quả, thu về 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Ở vùng trồng cam Vạn Yên (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), nhiều nhà hộ gia đình, chủ vườn, ngoài việc chú trọng phát triển trái cam hướng đến thị trường tiêu thụ, còn tập trung cải tạo vườn tược, tổ chức hoạt động trải nghiệm hái cam, cắm trại dã ngoại... để thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, quảng bá nông sản.

Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên (Vân Đồn) cho biết: Với thế mạnh về trồng cam, chúng tôi hiện đang kết hợp du lịch nông nghiệp trải nghiệm kết hợp du lịch sinh thái, thu hút khá đông khách du lịch. Đây là hướng đi mới tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Từ chương trình xây dựng NTM, người dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng; đổi mới tư duy để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Tập trung nguồn lực cho sự phát triển
Xác định phát triển sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để giúp cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực giúp người dân phát triển sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, để tổ chức lại sản xuất, Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại. Trong đó, tỉnh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh củng cố, phát triển HTX gắn chặt với chương trình OCOP, làm gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng bền vững.
Để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Để tạo được sự liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh triển khai hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các cấp, ngành đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn kết nối, giới thiệu, quảng bá trong và ngoài tỉnh, trong nước và nước ngoài; từng bước hoàn thiện các danh mục sản phẩm, nhóm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh liên kết chuỗi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng CNTT... Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc...
Điểm đặc biệt trong phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh đó là, chuyển đổi số đã trở thành một trong những giải pháp đột phá trong tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Các cấp, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn và hướng dẫn người dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream bán sản phẩm… Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử uy tín, phối hợp livestream giới thiệu sản phẩm và đổi mới hoạt động, hình thức tổ chức các hội chợ, triển lãm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tỉnh cũng đã được xây dựng và ứng dụng công nghệ QR-code, đảm bảo tính minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Hiện 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn, bao bì tem nhãn được cải tiến, nâng cấp, nhãn sản phẩm hàng hóa được ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 23 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; một số điểm còn có website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua các trang mạng xã hội…
Với nhiều giải pháp hiệu quả, Quảng Ninh đã từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập bền vững.
Ý kiến ()