Nỗi lo mưa lụt còn đó
Thiên tai, bão lũ, mưa lụt xảy ra, nếu các ngành, đơn vị, địa phương và người dân không chủ động phòng chống sẽ gây những thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhất là giờ đây thời tiết thường diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện các hiện tượng bất thường, mưa lớn cục bộ kéo dài, mưa đá…, đặc biệt là trong các tháng mùa mưa bão lại càng đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương chủ động những phương án ứng phó phù hợp hơn, để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vào đêm 8 và ngày 9/6 vừa qua, do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to kéo dài. Đây là đợt mưa lớn diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Mưa lớn đã gây ngập lụt, thiệt hại về tài sản của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại TP Hạ Long, đã xảy ra ngập lụt ở 11 điểm trên các tuyến đường: Trần Quốc Nghiễn (khu vực Vincom), hồ điều hoà Yết Kiêu, đường 25/4…; gây sạt lở 7 điểm trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư; khoảng 24ha lúa bị ngập, 17ha dưa hấu bị đổ trên địa bàn xã Thống Nhất; tràn 5 ao cá tại xã Quảng La...
TP Uông Bí có 1.064 hộ dân và 32 ô tô bị ngập; ngập úng trên 58ha hoa màu và 134ha ao đầm thủy sản, bị trôi 500 con gia súc, gia cầm; sạt lở 7 tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư. Tại huyện Ba Chẽ, hàng chục hộ dân tại khu 4, khu 5 (thị trấn Ba Chẽ) bị ảnh hưởng sạt lở, ngập lụt; trôi 1 lán của đơn vị thi công công trình cầu Bàng Quang (xã Đồn Đạc); sạt lở ta luy dương 13 điểm trên các tuyến đường huyện, đường liên xã, thôn. Trên địa bàn huyện Đầm Hà, có 81ha lúa bị ngập, huyện Tiên Yên có khoảng 300ha lúa, 1 ao nuôi ốc bị ngập lụt…
Đợt mưa lớn kéo dài này tuy không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản khoảng 5 tỷ đồng.
Có thể thấy, thiên tai, mưa lớn, ngập lụt thường gây những thiệt hại lớn cho các địa phương chịu ảnh hưởng. Nhất là với Quảng Ninh có do địa hình đồi núi, sông suối, ao hồ đan xen, nhiều vị trí thường xảy ra sạt lở, ngập lụt khi mưa lớn kéo dài, gây chia cắt thì việc chủ động các phương án phòng chống từ xa, từ sớm, từ cơ sở là vô cùng cần thiết.
Nửa cuối năm 2024 được dự báo xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan đến một cách bất ngờ, khó dự báo; hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm, đề phòng bão mạnh, diễn biến phức tạp. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9 - tháng 11, đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc vào cuối mùa.
Từ bài học trong trận mưa lớn kéo dài đêm 8 và ngày 9/6 vừa qua, ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các địa phương cần chủ động rà soát lại các vị trí ngập lụt, đặc biệt là khu vực đô thị, tổ chức duy tu, nạo vét lại hệ thống thoát nước; kiên quyết di dời ngay những công trình tạm ra khỏi các vị trí có nguy cơ, đặc biệt là bãi sông, chân mái dốc; rà soát lại các lán trại các công trình xây dựng trên địa bàn; đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tình huống thiên tai mưa lớn để các cấp, ngành, người dân chủ động phòng tránh.
Mùa mưa bão năm 2024 chỉ mới bắt đầu, dự báo diễn biến thời tiết bất thường, bão lũ cực đoan có thể xảy ra, vì vậy đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão, ngập lụt gây ra.
Ý kiến ()