Phong trào vô sản hoá ở Quảng Ninh những năm 30, thế kỷ XX Những hạt giống đỏ
Vào những năm 1925, 1926, phong trào yêu nước khắp Bắc, Trung, Nam đòi chính quyền thực dân Pháp để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, đòi thả tù nhà yêu nước Phan Bội Châu. Trong bối cảnh lịch sử thời điểm này, phong trào yêu nước mới tiếp nhận con đường cách mạng của nhà cách mạng vô sản Nguyễn Ái Quốc ở hải ngoại và ảnh hưởng của Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga năm 1917.
Nhóm bạn kết thân
Lớp thanh niên trí thức phi vô sản đi vô sản hoá đầu tiên là những thanh niên học sinh trí thức. Đây là những người nhận thức sớm nhất và đi theo con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc và Cách mạng Tháng Mười Nga Bôn-sê-vích năm 1917.
Nơi tiêu biểu cho lớp thanh niên trí thức chuyển hoá theo lý tưởng cách mạng vô sản là số học sinh trường Thành Chung, Nam Định. Tại trường Thành Chung xuất hiện “Nhóm bạn kết thân” gồm Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Châu Tuệ cùng sinh năm 1907, Nguyễn Đức Cảnh sinh năm 1908, Phạm Năng Đô, Nguyễn Khắc Lương, Nguyễn văn Hoan, do Đặng Xuân Khu làm trưởng nhóm, hoạt động gắn kết từ năm học thứ nhất (1923) đến năm học thứ tư (1926). Năm 1926, Đặng Xuân Khu cầm đầu cuộc bãi khoá trường Thành Chung, làm rung động học đường cả nước và xứ Đông Dương. Đốc học Nam Định đuổi học tất cả “Nhóm bạn kết thân” cùng Nguyễn Văn Năng (sinh năm 1902) (là Bí thư Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Thái Bình (1927), Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Tỉnh ủy Thái Bình) cùng một số bạn học khác.
Sau khi bị đuổi học, “Nhóm bạn kết thân” mang lý tưởng cách mạng vô sản tới nhiều nơi trong nước. Đặng Xuân Khu, Nguyễn Đức Cảnh rời Nam Định lên Hà Nội...
Năm 1928, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát động phong trào thanh niên trí thức phi vô sản tới các hầm mỏ, nhà máy để vô sản hoá. Đặng Châu Tuệ đến khu mỏ Cẩm Phả vô sản hóa vào năm 1928 khi mới 20 tuổi.
Là người đi vô sản hoá đầu tiên tại khu mỏ Cẩm Phả, Đăng Châu Tuệ đi làm tại nhà máy than luyện Cẩm Phả, nhà máy Cẩm Phả, tới các hầm lò vận động, giác ngộ công nhân về lý tưởng cách mạng vô sản. Cuối năm 1928, Thành uỷ Hải Phòng cử thêm Đào Chu, Huỳnh Công Thái, Vũ Thị Mai 17 tuổi đến khu mỏ Cẩm Phả vô sản hóa cùng Đặng Châu Tuệ. Đó là 4 thanh niên trí thức phi vô sản đầu tiên tới khu mỏ Cẩm Phả vô sản hóa.
“Sự kiện cờ đỏ búa liềm”
Cuối năm 1928, Thành ủy Hải Phòng ra quyết định thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại khu mỏ Cẩm Phả và xuất bản Báo Than làm cơ quan ngôn luận của Chi bộ. Báo Than có khuôn khổ vở học trò, in thạch bản, xuất bản số đầu tiên 200 tờ vào cuối năm 1928. Đầu tờ báo in dòng chữ đại tự “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”.
Báo Than và truyền đơn làm vũ khí tuyên truyền về “Đường Kách Mệnh“ của Nguyễn Ái Quốc, về nhà nước Công Nông của nước Nga. Báo Than kịp thời uốn nắn đấu tranh tự phát do uất ức cá nhân sang đoàn kết đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, đánh đổ chế độ phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nhà nước Công Nông! Thanh niên, quần chúng trung kiên được kết nạp vào Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội là Ngô Huy Tăng, Nguyễn Thế Uông. Tại khu mỏ Cẩm Phả, năm 1929, thành lập Chi bộ Thanh niên gồm 5 đảng viên: Phan Văn Dưỡng, Nguyễn Văn Duyến, Trần Văn Kỳ, Lê Văn Viên, Phạm Sinh.
Phong trào cách mạng vô sản tại khu mỏ Cẩm Phả phát triển, trở thành điểm chỉ đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hải Phòng. Năm 1929, đồng chí Phùng (bí danh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ) đến khu mỏ Cẩm Phả trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng.
Sự kiện vĩ đại kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vào đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/11/1929, tại khu mỏ Cẩm Phả. Hàng trăm công nhân tham gia rải truyền đơn, treo biểu ngữ, phát hành Báo Than số đặc biệt với số lượng lớn, treo cờ đỏ búa liềm khắp địa bàn Cẩm Phả và trên đỉnh cầu Pooc-tích số 1 tại cảng than Cửa Ông. Sự kiện này làm rung chuyển phong trào đấu tranh của công nhân cả nước, làm chấn động giới cầm quyền thực dân Pháp tại Đông Dương và tại Pháp quốc. Vua quan phong kiến vô cùng sợ hãi.
“Sự kiện cờ đỏ búa liềm” làm giới chủ mỏ, cầm quyền thực dân Pháp tại khu mỏ Cẩm Phả, Hòn Gai, Mạo Khê, Vàng Danh vô cùng run sợ. Chúng không từ thủ đoạn dã man nào để khủng bố phong trào. Tên chỉ điểm Lưu Bình Giang đã chỉ điểm cho mật thám, cảnh sát, lính khố xanh phá hoại cơ sở đảng, vây bắt đảng viên. (Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tập I (1928-1945), xuất bản năm 2011, ghi rõ: Tên phản động Lưu Bình Giang được tổ chức đảng cử sang hải ngoại học trường quân sự Hoàng Phố. Trở về nước, tên Lưu Bình Giang từ bỏ hàng ngũ vô sản sang làm tay sai đắc lực cho Pháp để lùng bắt các đảng viên đang vô sản hoá tại khu mỏ Cẩm Phả). Đảng viên trẻ Ngô Huy Tăng và một số quần chúng trung kiên bị địch bắt.
Trước tình hình đó, Thành ủy Hải Phòng ra ngay chỉ thị các đảng viên, quần chúng trung kiên tạm lánh sang địa bàn khác hoạt động. Bí thư Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Đặng Châu Tuệ lánh về khu mỏ Mạo Khê hoạt động. Vũ Thị Mai lánh về Hải Phòng nhận nhiệm vụ mới.
Các tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển
Đặng Châu Tuệ lánh về khu mỏ Mạo Khê hoạt động. Thời gian này Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Ngọ vô sản hoá tại Mỏ than Vàng Danh, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) vô sản hoá tại Nhà máy cơ khí Mạo Khê, Nguyễn Khắc Xứng (Lê Thanh Nghị) vô sản hóa tại Nhà máy điện Cột 5, Hòn Gai.
Phong trào công nhân khu mỏ Mạo Khê từng bước phát triển. Đặng Châu Tuệ giác ngộ những công nhân trung kiên là Nguyễn Huy Sán, Bùi Đức Giao, Bùi Văn Mạo. Đảng viên Vũ Thị Mai được tổ chức phân công từ Hải Phòng đến vô sản hoá tại khu mỏ Mạo Khê. Cuối năm 1929 Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội khu mỏ Mạo Khê tiếp tục xuất bản Báo Than.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng. 20 ngày sau, ngày 23/2/1930, tại khu mỏ Mạo Khê, dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu mỏ Mạo Khê (Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Vùng mỏ), thuộc sự lãnh đạo của Thành uỷ Hải Phòng. 5 đảng viên của Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội khu mỏ Mạo Khê trở thành 5 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Vùng mỏ, gồm: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao. Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Chi bộ.
Ngày 5/10/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Hải Phòng được thành lập. Đến đầu tháng 4/1930, Thành ủy Hải Phòng quyết định thành lập thêm 3 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm: Chi bộ Hòn Gai, Bí thư Chi bộ là Nguyễn Khắc Khang (Lê Quốc Trang), các đảng viên Nguyễn Khắc Xứng (Lê Thanh Nghị), Trần Văn Nghị (Nguyễn Viết Lục), Vũ Văn Hiếu; Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Bí thư Chi bộ là Bùi Đắc Thanh, các đảng viên Phạm Văn Ngọ, Đỗ Huy Liêm, Nguyễn Thị Lưu (Phan Thị Khương, cả Khương), Đào Văn Tuất (Nguyễn Thành, khi làm công nhân Nhà máy cơ khí Hòn Gai đã treo lá cờ đỏ búa liềm trên núi Bài Thơ đêm 30/4/1930, kỷ niệm 44 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5); Chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông, Bí thư Chi bộ là Vũ Văn Sáng.
Phong trào cách mạng vô sản khắp các khu mỏ ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi sớm thành lập Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng tại các khu mỏ. Cuối tháng 4/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả do đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư; Đảng ủy mỏ Uông Bí - Vàng Danh do đồng chí Phạm Văn Ngọ làm Bí thư.
Tháng 9/1930, trước phong trào cách mạng phát triển, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định tách Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả thành Đảng ủy mỏ Hòn Gai do đồng chí Trần Văn Nghệ làm Bí thư, Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông do đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư.
Cuối năm 1930, đồng chí Phạm Văn Ngọ, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (nguyên Bí thư Đảng ủy Uông Bí - Vàng Danh) triệu tập Hội nghị tại Hải Phòng, tuyên bố thành lập Đặc Khu ủy tại Vùng mỏ. Đặc Khu ủy tương đương cấp Thành uỷ, Tỉnh uỷ, tách khỏi sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo. Đặc khu ủy lãnh đạo phong trào cách mạng toàn diện phong trào cách mạng các khu mỏ Đông Triều - Mạo Khê, Uông Bí - Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông. Ban Chấp hành lâm thời Đặc khu ủy được Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định gồm: Vũ Văn Hiếu, đại biểu Đảng ủy Cẩm Phả; Trần Văn Nghệ, đại biểu Đảng ủy Hòn Gai; Phạm Gia, đại biểu Đảng ủy Đông Triều. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công làm Bí thư. Báo Than tiếp tục là cơ quan ngôn luận của Đặc Khu ủy.
Sự nghiệp lớn dở dang
Những thanh niên trí thức phi vô sản đi vô sản hóa tại các nhà máy hầm mỏ trong những năm 20 của thế kỷ XX, đã dựng nên nghiệp lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vùng mỏ.
Trụ sở Đặc Khu ủy và tòa soạn Báo Than đặt tại lán Bản Xứ, Hòn Gai. Đây là lán thợ lợp cỏ tranh, tường quây bằng liếp tre rừng. Mỗi gian lán thợ khoảng 10m2 chứa 5 người thợ tá túc. Hằng ngày thợ mặc áo bao gai, bao cói đi làm mỏ, nhà máy khu vực Hòn Gai.
Tháng 4/1931, Ban Chấp hành lâm thời Đặc Khu ủy họp tại Cẩm Phả để chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất, bầu Ban Chấp hành chính thức và Bí thư Đặc Khu ủy. Tên Vương Văn hoạt động trong tổ chức Đảng bộ Hòn Gai đã phản bội, chỉ điểm cho Pháp bắt toàn bộ Ban Chấp hành lâm thời Đặc Khu ủy. Nhiều đảng viên, quần chúng trung kiên tại các cơ sở đảng bị địch bắt. Bí thư Đặc Khu ủy Vũ Văn Hiếu, Trần Hỷ bị bắt tại Cẩm Phả; Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Huy Sán bị bắt tại Mạo Khê; Bùi Đắc Thanh bị bắt tại Uông Bí - Vàng Danh; Ngô Kim Tài bị bắt tại Hòn Gai… Địch thu được nhiều tài liệu quan trọng và phương tiện in ấn tại Trụ sở Đặc Khu ủy (Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tập I (1928-1945), xuất bản năm 2011).
Các đảng viên và quần chúng trung kiên bị địch bắt luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khai với địch về đồng chí và cơ sở của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, giam tại nhà tù trong lòng núi gần bến cảng than Hòn Gai. Sau đó đồng chí bị địch đưa lên nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Sự nghiệp vẻ vang của lớp vô sản hóa đầu tiên của Đảng tại Vùng mỏ tạm dở dang. Đến năm 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng về khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả chỉ đạo, củng cố phong trào cách mạng, xây dựng tiền đề cho cuộc Tổng đình công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng về mỏ than Hà Lầm làm thợ mỏ và chỉ đạo phong trào cách mạng Vùng mỏ, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc giành chính quyền cách mạng năm 1945 tại Vùng mỏ.
Di sản 100 năm của lớp vô sản hóa đầu tiên của Đảng
Năm 2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh kỷ niệm 100 năm thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và 100 năm ra đời Báo Than - tờ báo đảng địa phương đầu tiên của Việt Nam (1928), 100 năm “Sự kiện cờ đỏ búa liềm” (tháng 11/1929), 100 năm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Vùng mỏ (23/2/1930), 100 năm thành lập Đặc Khu ủy (10/1930)...
Năm 2025-2030 là thời điểm mang tính bước ngoặt bảo tồn, phát huy các di tích của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vùng mỏ: Nơi ghi dấu 100 năm Trụ sở Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và tòa soạn Báo Than tại phố Booc-đô (nay là phố Quang Trung, TP Cẩm Phả); cầu Pooc-tích số 1 treo cờ đỏ búa liềm đêm ngày 6 rạng sáng 7/11/1929; căn hầm bí mật của đồng chí Nguyễn Văn Cừ tại chùa Non Đông (Mạo Khê); hầm nhốt tù đồng chí Nguyễn Văn Cừ gần cảng Hòn Gai; Trụ sở Đặc Khu ủy và tòa soạn Báo Than tại lán Bản Xứ (Phố Mới, TP Hạ Long)...
Dịp Tết Ất Tỵ 2025, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh hoàn thiện bản thảo cuốn tiểu thuyết về những tiền bối của Đảng vô sản hóa lớp đầu tiên những năm 20 của thế kỷ XX tại Quảng Ninh. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam viết về 100 năm phong trào vô sản hóa của Đảng.
Ý kiến ()