20
18
/
1100458
Những bóng hồng trong tâm dịch
longform
Những bóng hồng trong tâm dịch

Cover

Họ là những nữ y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên, thanh niên… không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, ngày đêm có mặt trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Mỗi người một nhiệm vụ, đều sẵn sàng gác lại công việc, gia đình riêng, vượt lên trên tất cả khó khăn, áp lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch bệnh. 

Ảnh trong văn bản

Sau nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số bệnh nhân Covid-19 được đưa vào điều trị tại khu cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tăng. Riêng ngày 3/3, các cơ sở y tế trong tỉnh cách ly điều trị cho 19 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho 10 ca mắc Covid-19 nặng. Lúc này áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại đây rất lớn.

Ảnh với chú thích

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Vũ Thị Khánh Huyền là một trong số rất nhiều nữ bác sĩ, nhân viên y tế của đơn vị chạy đua với dịch để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Làm việc ở đơn vị y tế tuyến cuối của tỉnh tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng, công việc của bác sĩ Khánh Huyền và các đồng nghiệp càng thêm vất vả hơn rất nhiều. Họ phải theo dõi chỉ số sinh tồn, dấu hiệu mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhận định dấu hiệu mạch với từng bệnh nhân…

Bên cạnh công việc kiểm tra, chỉ định thuốc, vệ sinh và cho bệnh nhân dùng bữa, bác sĩ kiêm luôn chuyên gia tâm lý với bệnh nhân. Bởi bệnh nhân vào đây đều không có người nhà bên cạnh, các y, bác sĩ dành thời gian trò chuyện, động viên để người bệnh tin tưởng, bớt hoảng loạn lo lắng để quá trình điều trị hiệu quả hơn. 

Ảnh với chú thích

Bác sĩ Khánh Huyền khám cho bệnh nhân Covid-19.

Nhắc đến gia đình, bác sĩ Huyền trải lòng: Vợ chồng tôi đều làm ngành Y, nằm trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, nên hai cháu, con gái 3 tuổi và con trai 20 tháng tuổi, đều gửi người trông giúp. Ông bà nội, ngoại đều tuổi cao, sức yếu, ở xa, nên không thể giúp con cháu. Bận rộn là vậy nhưng mỗi khi nhớ đến hình ảnh, tiếng cười các con như tiếp thêm động lực để hai vợ chồng thêm cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những gian khó, xa cách, chúng càng thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.

Ảnh với chú thích

Tranh thủ giờ nghỉ, bác sĩ Khánh Huyền điện thoại trò chuyện cùng chồng, các con.

Vất vả và đối diện với nguy cơ cao bị lây nhiễm, nhưng bác sĩ Huyền xác định đây là niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế khi khoác lên mình tấm áo blouse trắng, nên chị luôn tận tâm, tận lực  làm hết sức mình để đóng góp cho cuộc chiến chống Covid-19. “Mỗi người bệnh điều trị khỏi, trở về đoàn tụ cùng gia đình chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất đối với các y, bác sĩ chúng tôi”, bác sĩ Khánh Huyền chia sẻ.

Ảnh trong văn bản

Vất vả, khó khăn khi “gánh” cùng lúc nhiều nhiệm vụ, vừa làm tốt công tác tình nguyện, hậu cần, vừa xông xáo, sáng tạo nhiều mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch, song tinh thần nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng tích cực là điều mà Nguyễn Thùy Trang (SN 1993), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) luôn lan tỏa đến ĐVTN tại địa phương. Qua đó, góp phần cổ vũ mọi người hăng hái, góp sức quyết tâm đẩy lùi đại dịch.

Ảnh với chú thích

Nguyễn Thùy Trang tham gia trực tại Chốt kiểm soát dịch cầu Đá Bạc (phường Phương Nam, TP Uông Bí).

Từ tháng 3/2020, ngay khi các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP Uông Bí được kích hoạt, bên cạnh phân bổ, huy động ĐVTN phường hỗ trợ ứng trực, Nguyễn Thùy Trang cũng trực tiếp tham gia trực tại Chốt cầu Đá Bạc (phường Phương Nam). Bất kể ngày đêm, những ĐVTN như Thùy Trang luôn cần mẫn, thầm lặng cùng với đội ngũ y tế, chiến sĩ công an, bộ đội, bám chốt làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Thùy Trang chia sẻ: Không phải riêng tôi, mà tất cả các tình nguyện viên ai cũng sẵn sàng gác lại công việc đang làm, gia đình sang một bên, cùng lao vào công việc mới bằng tất cả tâm sức. Không một phút nghỉ ngơi, lơ là, tất cả đều cố gắng nhiều nhất có thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần san sẻ những gánh nặng cho các lực lượng nơi tuyến đầu.

Ảnh căn trái

Không chỉ lăn xả vào mọi hoạt động phòng, chống dịch ở địa phương, nhận thấy tại các chốt trực thời điểm mới hoạt động còn nhiều khó khăn, Thùy Trang đã đi vận động, kêu gọi các hiệu thuốc, các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn phường ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của UBND phường nói chung, Đoàn Thanh niên phường nói riêng. Chỉ sau 2 ngày vận động, Đoàn phường đã tiếp nhận số tiền và hiện vật trị giá gần 10 triệu đồng, chuyển đến BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 địa phương để cấp phát và sử dụng hợp lý.

Phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ, Thùy Trang đã phát động ĐVTN phường Thanh Sơn xây dựng 10 mô hình tuyên truyền với các thông điệp khác nhau, được đặt tại các địa điểm công cộng trên địa bàn phường. Những mô hình ngộ nghĩnh với các câu khẩu hiệu tuyên truyền theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế đã thu hút sự chú ý, góp phần thiết thực nâng cao ý thức, trách nhiệm của ĐVTN, nhân dân trên địa bàn trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh với chú thích

Đoàn Thanh niên phường Thanh Sơn trao hỗ trợ các đơn vị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Thời điểm TP Uông Bí bước vào giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, Thùy Trang và ĐVTN phường lại xung phong đến khu cách ly tập trung số 2 của thành phố đặt tại Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, để dọn vệ sinh môi trường, sắp xếp cơ sở vật chất, cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân thực hiện cách ly. Tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên địa bàn thành phố, Thùy Trang chẳng nề hà việc gì, xông xáo, nhiệt tình, giúp người dân làm các thủ tục trước khi vào tiêm, điều phối và sắp xếp vị trí chờ cho người dân tại điểm tiêm chủng đảm bảo giãn cách và sẵn sàng giúp đỡ các cụ già, người khuyết tật vào tận phòng tiêm…

Nhiệt tình, tận tâm cống hiến góp phần tạo nên những “phòng tuyến” màu xanh thầm lặng trong cuộc chiến đầy cam go với dịch Covid-19, những nữ thủ lĩnh như Nguyễn Thùy Trang đã và đang làm đẹp, tô thắm thêm sắc xanh cho màu áo Đoàn, cho tuổi thanh xuân bằng những việc làm đầy ý nghĩa như thế.

Ảnh trong văn bản

Ảnh căn phải

Hai năm tham gia phòng, chống dịch tại đơn vị là 2 năm Thiếu tá Ngô Thị Thoa, nhân viên nấu ăn, Ban Hậu cần, Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh) chưa cho phép mình có ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Năm 2020 và 2021, Trung đoàn 244 thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly y tế cho những công dân Việt Nam về nước. Năm 2022, Trung đoàn tiếp nhận nhiệm vụ trở thành Cơ sở quản lý, điều trị tập trung bệnh nhân Covid-19 do UBND tỉnh giao. Công việc phục vụ, chị Thoa cùng mọi người trong tổ bếp phải đảm bảo bữa ăn cho hàng trăm người mỗi ngày tại Trung đoàn.

Ngày làm việc của chị Thoa bắt đầu từ 3-4h khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ. Dù thời tiết nóng bức hay giá lạnh thì chị Thoa cùng các anh em trong tổ bếp luôn có mặt đúng giờ để chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong ngày vào 6h, rồi lại xoay xở luôn chân luôn tay chuẩn bị tiếp cho 2 bữa trưa và tối. Gắn bó với khu bếp nuôi quân của Trung đoàn ngay từ những ngày chống dịch đầu tiên năm 2020, chị Thoa được giao đảm nhiệm vị trí “nấu chính”, chế biến, đảm bảo các bữa ăn trong ngày cho công dân thực hiện cách ly.

Ảnh với chú thích

Chị  Ngô Thị Thoa luôn bận rộn với công việc “chị nuôi quân” đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, góp phần chăm lo sức khỏe tốt cho CBCS đơn vị.

Chị Thoa tâm sự: Trung bình mỗi ngày chúng tôi phải chế biến bữa ăn cho hơn 100 người trong khu cách ly, cao điểm lên tới 300 người. Công việc đứng bếp vốn đã nặng nhọc, làm việc trong những ngày hè càng là thách thức không nhỏ. Là quân nhân, được rèn luyện sức khỏe thường xuyên, nên tôi tự tin đảm nhận và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chẳng có gì vui hơn, khi mọi người dân, CBCS được phục vụ những bữa ăn ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP, không để xảy ra những ý kiến phải phàn nàn, chê trách.

Hai năm qua, giai đoạn cao điểm chống dịch, chị  Ngô Thị Thoa cũng như các CBCS đơn vị đều dành toàn bộ thời gian cho công việc, nhiệm vụ, gác lại mọi công việc riêng. “Cháu bé nhà tôi mới 3 tuổi, nên khi vắng nhà dài ngày tôi cũng lo lắng, nhớ con vô cùng. Nhưng hơn lúc nào hết, tôi và tất cả đồng đội đều hiểu được trách nhiệm của mình - lực lượng trên tuyến đầu, để tiếp tục cố gắng, góp phần trở thành chỗ dựa vững chắc, bảo vệ nhân dân trong cuộc chiến với đại dịch nhiều cam go, gian khổ. Chúng tôi đồng lòng gác lại gia đình riêng để chuyên tâm cho nhiệm vụ vì những ngày bình yên, hạnh phúc cho mọi người”, chị Thoa tâm sự.

Ảnh với chú thích

Giờ tập luyện của nữ quân nhân thuộc Bộ CHQS tỉnh.

Thời điểm hiện tại, tuy số lượng công dân đến điều trị Covid-19 tại Trung đoàn không nhiều do chủ yếu cách ly, điều trị tại nhà, song chị Thoa vẫn luôn bận rộn với công việc “nuôi quân” khi phải đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, góp phần chăm lo sức khỏe tốt cho CBCS đơn vị, nhất là trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, phục vụ bữa ăn cho học viên các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ CHQS tỉnh tổ chức tại đơn vị.

Không còn khoảng thời gian đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện như những ngày trước dịch, song bầu nhiệt huyết, tận tâm với mong muốn góp sức cùng đất nước chiến thắng đại dịch vẫn luôn chảy trong trái tim chị Ngô Thị Thoa và các CBCS đơn vị Trung đoàn 244 qua mỗi bữa ăn, sự chăm sóc chu đáo cho công dân, quân nhân như vậy.  

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đồng nghĩa với nhiệm vụ của các nữ y, bác sĩ, chiến sĩ và các tình nguyện viên không biết khi nào sẽ kết thúc. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích, tình nguyện, dù biết phía trước là bao khó khăn, gian khổ, nhưng họ vẫn một lòng hướng đến với niềm tin chiến thắng.

Trúc Linh

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu