Những “cầu nối” tuyệt vời ở thôn khu
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn (bản, khu phố) theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ này đã thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; duy trì, giữ vững, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực sự khẳng định vai trò là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân.
“Nữ tướng” của bản
Đến thôn Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, hỏi Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dín Thị Lan, ai cũng biết. Dù là Bí thư chi bộ còn khá trẻ, nhưng chị Lan lại rất có uy tín trong nhân dân, được người dân yêu mến bởi sự năng động, nhiệt tình.
Chị Lan trước đây là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mào Liểng chỉ có 67 hộ và 274 nhân khẩu. Tháng 4/2022, bản Mào Liểng sáp nhập với bản Lý Sáy Chảy với hơn 91 hộ và 363 nhân khẩu thành thôn Thanh Lâm. Công việc của người Bí thư chi bộ sau sáp nhập càng thêm nhiều, trọng trách cũng nặng nề hơn. Chị Lan chia sẻ: Sau khi sáp nhập, dân cư đông đúc, địa bàn rộng, các phần việc cũng nhiều hơn, nhưng không vì thế mà nản chí. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi tổ chức các cuộc họp chi bộ để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân, từ đó chủ động triển khai công việc và tuyên truyền các đường lối của Đảng dễ dàng hơn.
Trước đây, bản Mào Liểng 100% đều là người dân tộc thiểu số, hầu hết hộ dân trong bản đều thuộc diện nghèo. Con đường vào bản là đường đất gồ ghề. Phần lớn nhà ở của các hộ dân là nhà tranh tre tạm bợ... Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, bản Mào Liểng đã có những con đường được bê tông hóa, những ngôi nhà xây kiên cố. Trong sự đổi thay ấy, mọi người nhắc nhiều đến Bí thư chi bộ, Trưởng bản Dín Thị Lan.
Gần 10 năm đảm nhiệm các chức danh từ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đến vai trò Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, chị Lan đều nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình. Những ngày đầu công tác, chị gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, do bản Mào Liểng là bản vùng cao với 6 dân tộc cùng sinh sống; phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau.
Để công việc thuận lợi hơn, chị Lan đã tự học tiếng Dao, vì đây là dân tộc chiếm số đông của bản. Sau khi nói được thành thục tiếng Dao, việc tuyên truyền, vận động các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trên địa bàn đều được bà con trong bản đồng tình, phấn khởi làm theo. Trong sinh hoạt chi bộ, chị Lan đã lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách đơn giản, dễ hiểu, lấy ví dụ từ thực tiễn để minh họa và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thay đổi nếp sống, thay đổi nhận thức và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đảm nhiệm cả vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, chị Lan cũng khéo léo gần gũi chị em trong bản, tuyên truyền, vận động người dân sống ngăn nắp, gọn gàng, dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong bản giảm, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chị Lan chia sẻ: Nhiều khi tuyên truyền một lần người dân chưa nghe, phải tuyên truyền nhiều lần, dần dần bà con cũng hiểu và đồng tình ủng hộ. Bản thân tôi cho rằng để người dân tin và làm theo mình thì trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu làm trước...
Nghĩ là làm, trong phát triển kinh tế gia đình, không chỉ cấy lúa, trồng rừng, chị Lan còn mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả... thu nhập của gia đình chị đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm cho riêng mình, chị còn nhiệt tình tư vấn, giúp người dân trong bản được vay vốn ưu đãi, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, khuyến khích các hộ có kinh tế khá hỗ trợ giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó kinh tế của bản Mào Liểng đã có sự thay đổi. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng, vườn cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Vì vậy đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chị Lan là người gương mẫu đi đầu hiến đất để làm đường. Thấy được sự nhiệt tình của chị, bà con nhân dân trong bản cũng tự nguyện noi theo. Đặc biệt, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, những con đường đất gồ ghề đã được bê tông cứng hóa, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Năm 2017, bản Mào Liểng đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến nay không còn hộ nghèo.
Chị Lan nhiều lần được nhận bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015; được UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018.
Nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu
Đưa chúng tôi đi thăm con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp ở khu Bí Trung 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí, ông Nguyễn Việt Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phấn khởi cho hay, tuyến đường này trước kia chỉ là con đường đất lầy lội đi qua khu dân cư Bí Trung 1. Mùa mưa, nước tràn xuống khiến dân cư hai bên đường thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thấy lợi ích từ con đường mới, hơn 100 hộ dân đã sẵn sàng hiến gần 5.400m2 đất, chưa kể hơn 2.000m2 vật kiến trúc, tường rào, mái tôn để mở rộng con đường này.
Theo ông Hồng, mặc dù đã có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ năm 2011, nhưng bị “treo” nhiều năm do không có mặt bằng. Năm 2022 dự án được tái khởi động. Theo thiết kế, con đường dài hơn 600m, rộng gần 8m sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các hộ trên tuyến.
Sau khi nhận được chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường kết nối QL18A sang QL10, thực hiện đúng tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tuyến đường nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Bí thư Chi bộ khu Bí Trung 1 Nguyễn Việt Hồng, cho biết: Việc mở rộng đường là việc khó, vì liên quan đến đất đai của người dân, song nếu quyết tâm cao, có cách làm đúng, chắc chắn sẽ làm được.
Để triển khai thực hiện, sau khi nhận thông báo mở tuyến đường, chúng tôi đã tổ chức 3 cuộc họp và vận động nhân dân hiến đất, vật liệu xây dựng ở nơi công trình đi qua. Tại các cuộc họp, cán bộ phường đối thoại công khai, minh bạch và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của người dân. Trước tiên chúng tôi xác định đảng viên gương mẫu làm trước, dỡ tường, rồi các ban, ngành như Hội CCB, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... không quản ngày đêm vào cuộc.
Tuy nhiên, câu chuyện hiến đất làm đường không chỉ xoay quanh 3 cuộc họp. Bởi nếu làm đường, mỗi gia đình sẽ bị mất vài chục m2 đất, giá trị có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Nhiều hộ, dù đã đồng thuận trong các cuộc họp, nhưng khi bàn giao mặt bằng lại chần chừ, không thực hiện.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng khu, ông Hồng không quản ngại mưa nắng, liên tục đến từng nhà vận động, thậm chí có nhà đi đến 3-4 lần. Trong những lần đi tuyên truyền, vận động, đôi khi người dân còn nói những lời khó nghe, gây khó khăn khi đòi đền bù, nhưng ông vẫn kiên nhẫn giải thích, dùng cả lý lẽ và tình cảm để người dân hiểu.
Ông Hồng chia sẻ: Người dân cũng có cái khó của họ, nhưng con đường này là việc chung, để giúp khu phố thêm khang trang sạch đẹp, đời sống người dân, nhất là con cháu sau này sẽ được nâng cao, cá nhân tôi không ngại đi đến từng nhà để vận động, tuyên truyền. Khi mọi chuyện được thông tỏ, các hộ dân sẽ đồng thuận thực hiện.
Nhờ sự bền bỉ, "mưa dầm thấm lâu" của ông Hồng, cuối cùng tất cả các hộ dân đều đồng thuận. Có những gia đình vừa xây nhà, có gia đình bị xâm phạm vào móng, chấp nhận phá bể nước ngầm, bỏ bể bioga, công trình phụ... để nhường đất cho dự án. Sau hơn 1 tháng vận động, ngày 14/3/2022 con đường chính thức được khởi công.
Gia đình ông Đặng Văn Hạnh là một trong những hộ đầu tiên phá dỡ tường rào dù phần đất hiến cho dự án lên đến 50m2, nhiều nhất trong các hộ hiến đất. Ông Hạnh chia sẻ: Thấy đồng chí Bí thư chi bộ và lãnh đạo địa phương ngày đêm tuyên truyền, đến từng nhà để vận động, lắng nghe chia sẻ của người dân, chúng tôi không chỉ đồng thuận mà còn cảm thấy rất yên tâm. Nếu là người không có uy tín, chắc chắn sẽ không kêu gọi và tạo sự đồng thuận của người dân nhanh đến vậy. Vì thế, tôi tự nguyện phá dỡ phần kiến trúc của gia đình đầu tiên. Sau khi thấy một vài hộ đã lùi tường nhà, người dân cũng không băn khoăn nữa, mà sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của cộng đồng. Giờ tuyến đường khang trang, sạch đẹp sắp được đưa vào sử dụng, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước 2 bên đường cũng góp phần giải bài toán xử lý nước thải cho cả một vùng dân cư rộng lớn.
"Nếu có sự đồng thuận của người dân thì việc khó đến mấy cũng có thể làm được. Nhưng để người dân tin, đồng lòng cùng làm thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu thực hiện. Thay vì phải chi hàng chục tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng, con đường này chỉ có giá trị 7 tỷ đồng (từ ngân sách thành phố) để thực hiện các hạng mục xây mới đường, hệ thống đèn đường, cống thoát nước. Có đường mới, bà con đi lại thuận tiện, mở mang phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình. Không những thế, uy tín của chính quyền trong nhân dân cũng ngày càng được nâng lên." - Bí thư chi bộ, Trưởng khu Bí Trung 1 Nguyễn Việt Hồng chia sẻ.
Hết lòng vì sự bình yên của nhân dân
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ ở cơ sở, thời gian qua, ông Đỗ Duy Xuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4 (phường Hà Lầm, TP Hạ Long) đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hơn 2 năm Quảng Ninh tập trung phòng, chống dịch Covid-19 là từng ấy thời gian ông Đỗ Duy Xuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4, tham gia tích cực công tác phòng chống dịch, đồng hành cùng nhân dân trong khu phố. Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, ông Xuân cũng như nhiều đồng chí bí thư chi bộ phải gánh thêm những công việc không tên khác như: Tham gia tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, lập danh sách hộ nghèo, khó khăn, người thất nghiệp nhận chế độ chính sách, theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kiểm soát người lưu trú trong khu dân cư… Mặc dù đã ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng zalo, facebook kết nối cư dân để đáp ứng nhu cầu công việc, nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người.
Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4 Đỗ Duy Xuân chia sẻ: Những ngày chống dịch, chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ trọn vẹn vì có rất nhiều công việc. Chưa kể, khi đi tiếp xúc nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao, nhưng trách nhiệm thì mình phải hoàn thành. Tôi vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thậm chí cách ly với chính những người trong gia đình để đảm bảo an toàn cho người thân và hoàn thành nhiệm vụ.
Khu 4 có 14 tổ dân, 665 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, ông Xuân cùng nhân dân trong khu đã nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn. Ông Xuân đã thành lập tổ tự quản trong khu phố gồm 23 người để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch; triển khai 150 tổ “ngũ gia” (1 nhóm gồm 5 gia đình) để kiểm soát, phòng chống dịch. Đồng thời, thường xuyên cùng các thành viên tổ chống dịch đi vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, yêu cầu khai báo y tế, kê khai nhân khẩu theo từng tổ, nắm danh sách những người thuộc diện F1, F2.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Xuân vẫn sử dụng thành thạo và cập nhật cách sử dụng điện thoại, máy tính để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những thắc mắc, lo lắng của người dân. Đặc biệt, với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố, ông luôn có mặt trong các buổi lấy mẫu xét nghiệm, sắp xếp, hướng dẫn người dân tuân thủ giãn cách, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Xuân còn chủ động tuyên truyền phòng chống dịch trong nhân dân. Để nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, toàn bộ nội dung phòng chống dịch đều được ông Xuân cùng các đảng viên trong chi bộ khu phố biên tập, đảm bảo ngắn gọn, xúc tích phát trên loa, gửi đến zalo của các thành viên trong tổ phòng chống dịch khu phố. Việc tuyên truyền cũng được thực hiện linh hoạt tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, ông Xuân cùng lãnh đạo khu phố 4 tiên phong, gương mẫu; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho những người đủ điều kiện của khu phố 4 đã đạt 99%. Hiện ông Xuân cùng lãnh đạo khu phố đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tích cực tham gia tiêm chủng.
Với những việc làm thiết thực, cùng sự tận tâm, mẫn cán trong công việc, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 4 Đỗ Duy Xuân đã thực sự trở thành tấm gương sáng cho người dân noi theo. Điều này không chỉ củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống dịch. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn phòng dịch ngay từ các khu dân cư.
Gặp gỡ, tìm hiểu hoạt động của đội ngũ Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố ở nhiều địa phương của tỉnh, chúng tôi thấy họ đã thể hiện rất rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng, của thôn. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Nhiều Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động của chi bộ, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chi bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các biện pháp phù hợp, tập trung đổi mới cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, đưa các mô hình kinh tế mới vào triển khai.
Nhờ họ, Quảng Ninh đã xây dựng được những tổ chức đảng vững mạnh ngay từ cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ý kiến ()