
Ngành nông nghiệp giữ vững đà tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh ghi nhận nhiều điểm sáng đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra, tạo nền tảng để toàn ngành kỳ vọng bứt phá trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Sở NN&MT, 6 tháng đầu năm 2025, nhiều chỉ tiêu trong ngành đã đạt và vượt mức kịch bản tăng trưởng. Trong đó, sản lượng lương thực đạt gần 102.000 tấn (bằng 100% kịch bản); sản lượng thịt hơi đạt trên 48.000 tấn (vượt 0,6% kịch bản); sản lượng thủy sản đạt gần 90.000 tấn (vượt 9,3% kịch bản).
Đáng chú ý trong lĩnh vực lâm nghiệp, với diện tích trồng rừng đạt khoảng 27.500ha đã vượt 4,2% kịch bản và tăng 174% so với cùng kỳ 2024, trong khi khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 875.000m³, tăng gần gấp đôi. Trong ngành chăn nuôi, sản lượng gia súc, gia cầm đạt hơn 5,8 triệu con (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024).
Đối mặt với bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ dịch bệnh phức tạp, việc ngành Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng ổn định và vượt chỉ tiêu là kết quả của sự quyết tâm trong điều hành của ngành, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân.
Ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác dự báo dịch hại, quản lý sâu bệnh ngay từ đầu vụ. Diện tích nhiễm sâu bệnh trên cây trồng giảm hơn 3.400ha so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó đã đưa giá trị doanh thu sản phẩm cây trồng toàn tỉnh đạt khoảng 1.785 tỷ đồng (tăng 280 tỷ đồng so với năm 2024). Đáng chú ý là ở lĩnh vực chăn nuôi, nhờ việc kiểm soát dịch bệnh được triển khai nghiêm ngặt, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 ổ dịch tả lợn châu Phi quy mô nhỏ, không có dịch lớn lây lan. Các chương trình tiêm phòng, giám sát dịch bệnh được tổ chức bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Điều này đã giúp cho người dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.
Đối với công tác quản lý tàu cá, 100% tàu khai thác trên 15m đã lắp thiết bị giám sát hành trình, toàn tỉnh không ghi nhận tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần thực hiện nghiêm các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh cấp quyền sử dụng vùng biển cho nuôi trồng thủy sản. Tính đến cuối tháng 6/2025, các địa phương đã tiếp nhận gần 700 hồ sơ, trong đó giao vùng biển cho trên 600 cá nhân, tổ chức. Cấp tỉnh đã cấp phép cho 14/16 hồ sơ đủ điều kiện, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên ven biển. Công tác an toàn thực phẩm cũng được các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc. Hiện ngành đã cấp 1.339 tài khoản truy xuất nguồn gốc và 2.630 mã QR cho các sản phẩm nông sản, thủy sản. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm OCOP được tổ chức thường xuyên.
Hướng đến nền nông nghiệp đổi mới, bền vững, Sở NN&MT cũng đang quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong 6 tháng, đã ban hành nhiều kế hoạch về đổi mới sáng tạo, bình dân học vụ số, phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của UBND tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 768 HTX nông nghiệp (tăng 58 HTX so với cuối năm 2024). Các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích đầu tư đã được triển khai đồng bộ.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT, cho biết: Nhằm đảm bảo đà tăng trưởng bền vững và vượt chỉ tiêu năm 2025, trong 6 tháng cuối năm, Sở NN&MT tỉnh xác định những nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường giám sát sinh vật gây hại, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, mở rộng vùng sản xuất, diện tích canh tác lúa chất lượng cao trong vụ mùa 2025, tạo dư địa cho sản xuất vụ đông 2025. Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, bảo vệ sản xuất; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án chăn nuôi lớn (trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Đường Hoa của Công ty CP Chăn nuôi Greentech, dự án trang trại bò thịt, lợn thịt của Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP KTKS Thiên Thuận Tường). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư (Dự án khu chăn nuôi lợn giống, lợn thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Bình Khê của Công ty CP Dabaco Quảng Ninh…). Ngành cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý chất lượng con giống phục vụ sản xuất... Đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giám sát dịch tới tận các hộ nuôi, từ đó đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch.
Ý kiến ()