
Vân Đồn khẳng định thế mạnh vùng trọng điểm thủy sản
Dù phải đối mặt với thời tiết bất lợi trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản của Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định, thậm chí đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, tại đặc khu Vân Đồn, một trong những vùng biển trọng điểm về nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh, kết quả 6 tháng đầu năm đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Nhờ các giải pháp tích cực của địa phương, cùng sự nỗ lực của ngư dân và các đơn vị NTTS, hoạt động nuôi trồng trên địa bàn Vân Đồn đã nhanh chóng phục hồi. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão Yagi, các vùng nuôi biển tại đây đã khôi phục tới 90%. Tỉnh đã cấp phép cho 2 tổ chức NTTS trên biển với tổng diện tích 68,1ha, và 108 hộ dân cũng được giao 51,38ha diện tích biển trong khu vực 3 hải lý, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND đặc khu Vân Đồn. Hiện tại, ngư dân đang bắt đầu thu hoạch sản phẩm, sẵn sàng tái thiết sản xuất cho vụ mới.

Chị Nguyễn Thúy Oanh, ngư dân nuôi hàu tại đảo Đống Chén, chia sẻ: “Sau bão Yagi, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước nên cơ bản khôi phục được hoạt động nuôi trồng. Gia đình tôi có 5ha nuôi hàu, từ đầu tháng 7 đã bắt đầu thu hoạch. May mắn là chúng tôi đã kịp thu hoạch xong một phần khu nuôi trước khi bão Wipha đổ bộ. Trung bình mỗi ngày gia đình thu từ 4-5 tấn hàu, bán với giá khoảng 14.000 đồng/kg, đảm bảo có lãi để tiếp tục tái đầu tư cho vụ mới”. Tuy nhiên, chị Oanh cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hàu vàng nhập lậu ảnh hưởng đến đầu ra: “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng của địa phương và tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng này để người nuôi hàu ổn định thị trường và sản xuất lâu dài”.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất khu vực I (nông - lâm - thủy sản) của Vân Đồn đạt hơn 1.670 tỷ đồng, trong đó thủy sản chiếm tới 89,5%, tương đương hơn 1.495 tỷ đồng. Toàn đặc khu hiện có 3.770ha nuôi trồng do các hộ ngư dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư, với sản lượng đạt 42.266 tấn. Những kết quả này không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương mà còn khẳng định vị thế Vân Đồn là vùng trọng điểm về thủy sản của Quảng Ninh.

Anh Lò Văn Học, hộ NTTS ở khu Hòn Cò cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngoài nuôi cá song gia đình tôi còn đầu tư nuôi cá dìa. Đối với loại cá biển này năm nay thị trường tiêu thụ nhiều mà dễ bán, giá cả vừa phải dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ nên nhà tôi đang có 80 ô thả nuôi cá và đang mở rộng thêm để đưa vào nuôi 20 ô cá dìa nữa trong tháng 7 này.


Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Vân Đồn, cho biết: Phát huy lợi thế diện tích mặt biển đã được quy hoạch cho NTTS, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tổ chức giao biển cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Đồng thời, địa phương khuyến khích tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm kết nối và tạo liên kết trong phát triển sản xuất trên biển. Mục tiêu là phát triển nuôi biển theo hướng quy mô, sử dụng ít diện tích nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao; năng suất và chất lượng sản phẩm phải vượt trội trên cùng một diện tích. Đây là trọng tâm chúng tôi tập trung triển khai, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đặc biệt là NTTS.
Ý kiến ()