
Đa dạng hóa sản phẩm OCOP: Hướng đi bền vững từ vùng cao Quảng Ninh
Từ gà Tiên Yên, trà hoa vàng Ba Chẽ đến ớt chào mào…, những sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc vùng cao Quảng Ninh đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, mang lại sinh kế vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất, chương trình OCOP còn mở ra hướng đi bền vững, giúp người dân tự tin làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đa dạng hoá sản phẩm - Kích hoạt nội lực vùng cao
Một trong những dấu ấn rõ nét trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh là sự xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình cá nhân điển hình, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp bền vững từ cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Bế Văn Lỵ, người dân tộc Tày (xã Phong Dụ nay là xã Tiên Yên).

Từ một hộ nông dân nhỏ lẻ, anh Lỵ đã mạnh dạn thay đổi cách làm truyền thống, áp dụng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Anh Lỵ chia sẻ: “Tôi đã đầu tư khu chuồng trại kiên cố, phân lô chuồng nuôi khoa học, phối hợp với cán bộ kỹ thuật địa phương trong việc quản lý con giống, phòng dịch và chăm sóc dinh dưỡng. Nhờ đó, đàn gà của gia đình tôi duy trì ổn định hàng nghìn con mỗi lứa, thịt gà đạt chuẩn chất lượng, thơm ngon đặc trưng, được các thương lái và siêu thị thu mua với giá cao”. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5-7 lao động tại địa phương. Không dừng lại ở đó, anh còn tích cực hỗ trợ các hộ trong thôn nhân rộng mô hình, chuyển giao kỹ thuật và liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác chăn nuôi gà Tiên Yên OCOP.
Đặc biệt, trong quá trình tham gia OCOP, anh Lỵ đã chú trọng đến việc bảo tồn giống gà bản địa quý hiếm, góp phần giữ gìn nguồn gen và nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm, mô hình của anh không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà còn tạo dựng được thương hiệu đặc sản cho quê hương Tiên Yên. Gà Tiên Yên giờ đây đã trở thành biểu tượng của sản phẩm OCOP vùng cao Quảng Ninh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Câu chuyện của ông Nịnh Văn Trắng (người Sán Chỉ), Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh nay là xã Kỳ Thượng) lại là hình mẫu cho sự kiên trì và sáng tạo trong phát triển sản phẩm từ cây dược liệu quý. Xuất phát từ tình yêu với rừng và mong muốn giữ gìn cây trà hoa vàng bản địa, ông đã tiên phong xây dựng vùng nguyên liệu trà tại các xã lân cận có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Hơn 30 hecta cây trà hoa vàng đã được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Công ty ông đầu tư nhà xưởng hiện đại, máy sấy thăng hoa và hệ thống chiết tách tinh chất đạt tiêu chuẩn ISO22000. Ông Trắng cho biết: Các sản phẩm trà hoa vàng của Công ty không chỉ là trà khô mà còn mở rộng thành phẩm như tinh chất, viên nang, trà túi lọc, đóng gói cao cấp phục vụ phân khúc quà tặng và xuất khẩu.
Bên cạnh sản phẩm đã đạt OCOP 5 sao quốc gia, ông Trắng còn tích cực kết nối du lịch trải nghiệm, đưa du khách đến tham quan vườn trà, tìm hiểu quy trình sản xuất, kết nối tiêu dùng xanh. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong vận động người dân tham gia tổ hợp tác trồng trà hoa vàng, hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, qua đó hình thành một chuỗi sản xuất khép kín, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân tại địa phương.

Không chỉ là một doanh nhân, ông Trắng còn là người gieo mầm khát vọng cho cộng đồng, khi truyền cảm hứng để đồng bào dân tộc thiểu số thấy được giá trị từ chính tài nguyên bản địa. Mô hình của ông đang tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số. Những vùng đồi hoang nay đã phủ kín sắc xanh của trà hoa vàng, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo sinh kế bền vững.

Không chỉ có những người trung niên thành công, làn sóng khởi nghiệp OCOP còn lan đến cả những người trẻ tuổi, có tri thức, tinh thần dấn thân vì cộng đồng. Tiêu biểu là anh Lỷ Văn Quạn, giáo viên dân tộc Dao (xã Đại Dực nay là xã Tiên Yên). Trong quá trình giảng dạy, anh nhận thấy cây ớt chào mào, giống bản địa quý của người Dao có thể trở thành cây kinh tế nếu được trồng đúng cách. “Tôi đã tự học hỏi, tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ và khởi nghiệp với mô hình trồng ớt chào mào an toàn, không hóa chất”, anh Quạn chia sẻ.
Từ 2.000m² ruộng ban đầu, anh mở rộng lên hơn 1 hecta, đầu tư hệ thống nhà sơ chế, máy sấy, máy nghiền và dây chuyền đóng gói. Các sản phẩm chế biến từ ớt như: Muối ớt chào mào, ớt khô, ớt bột… mang thương hiệu "Ớt chào mào" đang dần được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Không những tạo ra thu nhập tốt, mô hình của anh còn giúp hàng chục hộ dân trong xã có việc làm, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Anh cũng tích cực quảng bá sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, các hội chợ OCOP và đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2025.

Đáng chú ý, anh Quạn đã tận dụng mạng xã hội và các nền tảng số để lan tỏa giá trị sản phẩm. Anh tổ chức livestream, quay video chia sẻ quy trình sản xuất, giao lưu với khách hàng để tăng độ nhận diện thương hiệu. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh trở thành hình mẫu cho lớp thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên bằng nội lực, phát huy giá trị quê hương.
Từ những mô hình điển hình này, có thể thấy, chương trình OCOP tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh không chỉ khơi thông tiềm năng kinh tế mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất, kết nối người dân với thị trường và công nghệ. Mỗi sản phẩm OCOP giờ đây không chỉ là hàng hóa, mà còn là câu chuyện về vùng đất, con người, bản sắc, là biểu tượng của sự vươn lên từ chính nội lực cộng đồng.
Thắp sáng khát vọng làm giàu từ bản làng

Tiếp nối những mô hình OCOP thành công, Quảng Ninh đang tích cực mở rộng không gian phát triển chương trình tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Miền Đông của tỉnh. Tại đây, OCOP không chỉ là một chương trình phát triển sản phẩm, mà còn là chiến lược tổng thể để khai thác tài nguyên bản địa, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, hiện đại.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình OCOP đã thổi một luồng gió mới vào đời sống nông thôn. Miến dong Bình Liêu, sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia là minh chứng rõ nét cho sự bứt phá của địa phương. Tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây dong riềng, các HTX đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến miến sạch, sấy khô bằng năng lượng mặt trời, đóng gói hiện đại. Sản phẩm có màu trắng trong tự nhiên, dai, thơm và đặc biệt an toàn với người tiêu dùng.
Không dừng ở đó, người dân nơi đây còn chú trọng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, bảo hộ thương hiệu miến dong Bình Liêu và phát triển theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn, được đưa lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ miến dong, hàng trăm hộ dân vùng cao có thêm nguồn thu nhập bền vững, nhiều thanh niên trở về quê khởi nghiệp, gắn bó với nghề truyền thống.

Một điểm sáng khác là sản phẩm dầu sở Bình Liêu, được chế biến từ hạt cây sở, loài cây rừng bản địa quen thuộc của người Dao. Dầu sở có hàm lượng omega-9 cao, tốt cho sức khỏe tim mạch, đã được các hộ dân và HTX liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ. Cùng với các sản phẩm OCOP khác như bánh coóc mò, chè hoa vàng, rượu men lá truyền thống…, đang từng bước xây dựng bản sắc OCOP riêng biệt gắn với văn hóa và sinh thái vùng cao.
Tại xã Quảng Tân, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tận dụng lợi thế từ rừng quế để chiết xuất tinh dầu quế, sản phẩm tiềm năng được đánh giá cao trong lĩnh vực y học và công nghiệp mỹ phẩm. Dưới sự hỗ trợ của địa phương và chương trình OCOP, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chưng cất tinh dầu, xây dựng cơ sở đóng gói, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, giá trị cây quế được nâng cao gấp nhiều lần so với trước, đồng thời giúp người dân bảo vệ rừng, phát triển kinh tế mà vẫn giữ gìn được thiên nhiên bản địa.
Trong khi đó, nhiều nơi khu vực Miền Đông của tỉnh cũng đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu rừng như nấm lim xanh, trà dược liệu, mật ong rừng tự nhiên… Điển hình như HTX Dược liệu xanh Nam Sơn (xã Ba Chẽ), chuyên sản xuất trà túi lọc từ các loại cây bản địa như cỏ ngọt, lá ổi, lá đinh lăng… kết hợp nghiên cứu với Viện Dược liệu Quốc gia để đảm bảo hàm lượng hoạt chất và an toàn thực phẩm. Những sản phẩm này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là biểu tượng cho lối sống xanh, thân thiện môi trường.
Để tiếp tục lan tỏa hiệu quả chương trình, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung vào 3 đột phá: Phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp OCOP vùng dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản trị cho các chủ thể OCOP. Các lớp tập huấn về marketing, thương mại điện tử, quản lý chất lượng… được tổ chức thường xuyên. Nhiều cán bộ, doanh nhân trẻ người dân tộc đã bước ra từ các khóa học này, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng chính sách hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng phục vụ OCOP vùng cao. Hệ thống showroom OCOP được xây dựng tại các điểm du lịch trọng điểm, tích hợp không gian trải nghiệm và trưng bày sản phẩm, giúp kết nối vùng sản xuất với thị trường. Tỉnh cũng mạnh dạn loại bỏ những sản phẩm chất lượng thấp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng hạng sao OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Có thể nói, OCOP vùng dân tộc thiểu số Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Không chỉ là sản phẩm, OCOP đã trở thành biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp, tự lực vươn lên của người dân miền núi. Những chiếc bánh, chai mật ong, lọ dầu sở… không chỉ mang hương vị bản làng, mà còn thấm đẫm khát vọng hội nhập, vươn xa đến những thị trường cao cấp. OCOP đã và đang góp phần làm nên diện mạo mới cho vùng cao Quảng Ninh, nơi những giá trị truyền thống được đánh thức, gìn giữ và phát triển trong hơi thở hiện đại.
Tính đến nay, Quảng Ninh có 435 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó đã có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia. Đây là thành quả của định hướng bài bản: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế bản địa, ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO 22000, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, thiết kế bao bì chuyên nghiệp và khai thác tối đa sức mạnh thương mại điện tử.
Tỉnh cũng đã cấp hơn 2.600 mã QR truy xuất nguồn gốc, 1.339 tài khoản vận hành hệ thống quản lý OCOP, và kết nối 100% sản phẩm OCOP từ 3-5 sao với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… Từ đầu năm 2025 đến nay, đã tổ chức nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, tạo cơ hội kết nối sản phẩm OCOP với doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh còn chủ động loại bỏ những sản phẩm chất lượng thấp (73 sản phẩm bị loại năm 2023), nâng cao năng lực quản trị cho các chủ thể OCOP, hướng tới phát triển bền vững. Các hoạt động tập huấn về quản lý sản xuất, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại đang được triển khai rộng khắp.
Tất cả cho thấy chương trình OCOP không chỉ là “mỗi xã một sản phẩm”, mà còn là mỗi bản làng một khát vọng, mỗi người dân một hành trình làm kinh tế sáng tạo, chuyên nghiệp. Với mục tiêu đến năm 2030 có thêm 15-20 sản phẩm OCOP 5 sao mang thương hiệu Quảng Ninh, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu: Biến tài nguyên thành giá trị, bản sắc thành lợi thế, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ thoát nghèo, mà vươn lên làm chủ kinh tế một cách bền vững, tự tin và đầy kiêu hãnh.
Ý kiến ()