
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh khẳng định vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của cả nước với mức tăng 11,03%, đứng thứ 3 khu vực miền Bắc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với chủ đề “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu quyết tâm tăng trưởng GRDP cả năm đạt 14%, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã tính toán căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng để ưu tiên thúc đẩy trên cơ sở giải phóng toàn bộ nguồn lực tạo tăng trưởng mới. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng là ngành chủ lực có vai trò lôi kéo các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Do vậy, tỉnh đã thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tập trung tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Theo đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức làm việc với từng chủ đầu tư hạ tầng KCN để rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng; xác định, phân bổ chỉ tiêu thu hút đầu tư trong từng tháng, quý. Song song với đó, tiếp tục thể hiện rõ quan điểm, cách làm trong nâng cao hiệu quả mô hình xúc tiến đầu tư theo “chu trình khép kín” từ việc hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư đến hỗ trợ sau đầu tư. Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN và các địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB, chuẩn bị thị trường lao động và nhiều biện pháp cụ thể nhằm đáp ứng các điều kiện thiết yếu cho các KCN, các nhà máy sản xuất, nhất là các doanh nghiệp FDI…
Vì thế, trong quý I/2025, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,59% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 9 sản phẩm đạt và vượt tiến độ kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đã có 2 sản phẩm mới của Tập đoàn Foxconn đi vào sản xuất, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất những lô xe ô tô thương mại đầu tiên mang thương hiệu Skoda.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn quý II/2025, bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, các chính sách thuế quan giữa các nước trên thế giới và sự thay đổi chính sách thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam đã khiến một số khách hàng hoãn hoặc hủy các đơn đặt hàng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN, đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo hỗ trợ tối đa, động viên và liên kết tìm thị trường, nguồn hàng mới cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất phù hợp với điều kiện tình hình và mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong đó, điểm nổi bật, ưu tiên các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; khuyến khích hình thành, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung phát triển các KCN theo hướng công nghệ cao, phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất - liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Song song với đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế, công trình tiện ích công cộng cho người lao động), hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải…), hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài các KCN, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Đàm Đình Thông, Tổng Giám đốc Skoda Việt Nam cho biết: Đồng hành cùng Quảng Ninh thúc đẩy tăng trưởng, ngay trong quý II/2025, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đã cho ra thị trường sản phẩm đầu tiên sau 3 tháng chính thức vận hành. Đây có thể khẳng định sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm mới, giá trị lớn, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Với thương hiệu xe mới, giai đoạn đầu có thể sản lượng sản xuất chưa thực sự lớn, tuy nhiên đây cũng sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển. Đồng thời, đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, đóng góp cho tăng trưởng.
Với những giải pháp cụ thể và hiệu quả, dù gặp phải những khó khăn, biến động lớn từ bối cảnh thương mại quốc tế, tuy nhiên kết thúc 6 tháng đầu năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 23,81%, chiếm tỷ trọng 12,83% trong GRDP, đóng góp 3,19% trong tăng trưởng GRDP. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt và vượt tiến độ kế hoạch, bổ sung thêm 6 sản phẩm mới. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng đã đưa thêm 6 dự án chế biến, chế tạo trong KCN đi vào hoạt động gồm: Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và lắp ráp sản phẩm của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác EVA; Nhà máy Lioncore Việt Nam 2; Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam; Nhà máy sản xuất vải sợi pha Phúc Ân; Nhà máy Tamagawa Việt Nam…
Việc gia tăng các sản phẩm, đưa thêm nhiều nhà máy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào sản xuất đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho Quảng Ninh giai đoạn những tháng đầu năm 2025. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là ngành dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng hành cùng đất nước đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, là tiền đề quan trọng để đạt tăng trưởng 2 con số từ năm 2026.
Ý kiến ()