
Cảnh sát hình sự kịp thời ngăn chặn 2 vụ giả bắt cóc, ép gia đình chuyển tiền
Chủ động bám sát địa bàn, nắm tình hình từ cơ sở, những ngày gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) đã liên tiếp phát hiện, kịp thời ngăn chặn hai vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn tạo dựng tình huống giả bắt cóc, ép gia đình chuyển tiền.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 15/7/2025, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận tin báo của gia đình chị N.T.L trú tại phường Hồng Gai (tỉnh Quảng Ninh), về việc con trai chị là cháu H.Đ.M bị bắt cóc. Các đối tượng yêu cầu gia đình chuyển số tiền là 300 triệu đồng để “chuộc” cháu H.Đ.M; đồng thời liên tục gọi điện qua mạng xã hội Zalo, gửi ảnh cháu M đang bị giữ, kèm theo lời lẽ đe doạ, tống tiền. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự đã đưa cháu M về gia đình an toàn.

Tiếp đó, khoảng 11 giờ 30, ngày 21/7/2025, anh N.T.T trú tại phường Vàng Danh (tỉnh Quảng Ninh), nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo của con gái anh là cháu N.H.M đang là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội với nội dung cháu đang bị bắt cóc, yêu cầu gia đình phải chuyển số tiền 370 triệu đồng cho các đối tượng để chuộc cháu về. Đồng thời anh T và gia đình nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các số máy lạ chửi bới, đe dọa, đòi tiền chuộc con về. Anh T và gia đình nhiều lần gọi điện vào số máy của cháu M, tổ chức đi tìm cháu nhưng không thấy. Sau đó gia đình đã báo cho cơ quan Công an. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 13 giờ cùng ngày, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã tìm thấy cháu M tại một nhà nghỉ trên địa bàn Hà Nội và bàn giao cháu an toàn cho gia đình.

Qua điều tra, điểm chung của hai vụ án trên là: Bước đầu các đối tượng gọi điện cho bị hại vờ thông báo bị hại đã nhận được xuất học bổng du học nước ngoài để lấy thông tin cá nhân. Sau đó đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại khác gọi điện thông báo bị hại liên quan đến một vụ án rửa tiền, án ma túy và yêu cầu hợp tác điều tra. Sau đó, nạn nhân được đối tượng lừa dẫn dắt vào phòng họp trực tuyến có sẵn tài khoản ghi “Bộ Công an” và “Viện Kiểm sát” trên nền tảng Zoom.

Tại đây, các bị hại được yêu cầu chia sẻ màn hình hiển thị điện thoại, đồng thời nhận được ảnh lệnh bắt giữ và phong tỏa tài khoản ngân hàng do Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành về việc bắt giữ trong thời hạn 37 ngày do các đối tượng lừa đảo tạo lập. Đồng thời, chúng yêu cầu nạn nhân phải đi vào nhà nghỉ gần nhất để thuê phòng và yêu cầu giữ kín thông tin nội dung vừa làm việc; không liên lạc với người thân. Sau đó, các đối tượng tạo dựng video và gọi điện về gia đình bị hại đe dọa, tống tiền bố mẹ các cháu nhằm yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng chỉ định để chuộc các cháu về.

Qua hai vụ án trên, Phòng Cảnh sát hình sự đề nghị: bên cạnh công tác đấu tranh, truy quét tội phạm “không khoan nhượng” của lực lượng Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục và các bậc phụ huynh thường xuyên tuyên truyền trong nhà trường và khu dân cư để mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội.
Phòng Cảnh sát hình sự cảnh báo: Thủ đoạn lừa đảo giả bắt cóc các cháu sinh viên, học sinh đang có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, người dân cần bình tĩnh khi nhận được thông tin bất thường, tuyệt không chuyển tiền; nhanh chóng báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ý kiến ()