
Vững vàng nơi “tuyến đầu” phòng chống thiên tai
Năm 2025, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Quảng Ninh – tỉnh ven biển, địa hình đa dạng và là “tâm bão” của miền Bắc – luôn xác định phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Với vai trò lực lượng nòng cốt, LLVT Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều phương án, hiệp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ứng phó bão số 3
Những ngày trung tuần tháng 7/2025, bão số 3 (Wipha) hình thành trên Biển Đông, di chuyển nhanh, mạnh và dự báo đổ bộ vào Quảng Ninh. Trước diễn biến phức tạp, LLVT tỉnh đã nhanh chóng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó, hiệp đồng chặt chẽ cùng các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
Đặc biệt chiều 19/7, trên địa bàn tỉnh diễn ra tình trạng thời tiết giông lốc hết sức phức tạp, dẫn đến tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105 đang trong quá trình chở khách tham quan Vịnh Hạ Long. Ngay sau khi nhận tin, Bộ CHQS tỉnh đã báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 3, UBND tỉnh và tham mưu thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải đội Biên phòng 2 (Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh), đồng thời điều động 110 CBCS trực tiếp cơ động ra hiện trường phối hợp cùng công an, biên phòng, hải quân, kiểm ngư, đặc công nước và hàng trăm ngư dân địa phương tham gia cứu nạn.
“Chúng tôi nhận được lệnh, lập tức cơ động ra vị trí tàu bị nạn dù sóng cao, gió mạnh. Mục tiêu là làm sao cứu người nhanh nhất, an toàn nhất. Kết quả, lực lượng LLVT tham gia đã cứu được 4 người, phối hợp tìm kiếm những người còn lại”, Thượng tá Trần Thăng Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực (PTKV) 4, chia sẻ.

Nhờ nỗ lực thần tốc và quyết liệt, ngay trong đêm 19/7 đã cơ bản hoàn tất việc trục vớt, lai dắt tàu bị nạn; sáng 20/7 đã xác minh, bàn giao thi hài 35 nạn nhân về gia đình để lo hậu sự (đến trưa 23/7, trong 49 người trên tàu gặp nạn, các lực lượng chức năng đã cứu sống 10 người, 37 thi thể được tìm thấy, bàn giao cho gia đình, 2 nạn nhân vẫn còn mất tích). Trong suốt quá trình cứu nạn, LLVT còn phối hợp bảo đảm ATGT đường thủy, hỗ trợ y tế tại chỗ, động viên thân nhân người gặp nạn.
Ứng phó bão số 3, Bộ CHQS tỉnh thành lập 3 sở chỉ huy tiền phương tại Ban Chỉ huy PTKV 1, Ban Chỉ huy PTKV 3, Ban Chỉ huy PTKV 5; huy động 3.023 CBCS; 68 ô tô, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng trực sẵn sàng trên các địa bàn trọng điểm. Trong đó LLVT tỉnh gồm 1.588 CBCS (1.199 bộ đội thường trực, 750 cán bộ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, 838 DQTV). LLVT của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng quân trên địa bàn huy động hơn 1.400 CBCS, hàng chục tàu, xuồng, xe chuyên dụng. LLVT tỉnh phối hợp chặt chẽ với BĐBP, cảnh sát biển, kiểm ngư và chính quyền địa phương triển khai 24 quả pháo hiệu báo bão; kêu gọi 111 tàu khách, 375 tàu du lịch về nơi tránh trú an toàn.
Dựng “lá chắn thép”
Ứng phó với mùa mưa bão 2025, LLVT tỉnh đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng chi tiết, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và phương án tác chiến cụ thể, nhằm chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã rà soát, lập phương án bảo vệ khu vực trọng điểm dễ xảy ra thiên tai, sự cố: Các tuyến đê, kè xung yếu ở khu vực Quảng Yên, Đông Triều (cũ); các hồ Yên Lập, Hải Yên; khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều địa bàn miền núi và ven biển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 150.000 ô lồng NTTS và hơn 6.000 tàu thuyền hoạt động trên biển cũng nằm trong diện được cảnh báo, kiểm tra và chủ động phương án sơ tán khi cần thiết.

Bộ CHQS tỉnh đã hiệp đồng với gần 20 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, như Sư đoàn 395, các lữ đoàn 147, 170, 242, 405, Trung đoàn 213, BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển… Hàng nghìn CBCS cùng hàng trăm xe ô tô, tàu, xuồng, phương tiện đặc chủng được bố trí sẵn sàng cơ động. Riêng lực lượng TKCN trên biển, Bộ CHQS tỉnh bố trí 3 tàu cùng xuồng cao tốc trực tại phường Tuần Châu, cầu Đá Bạc (phường Yên Tử), Bãi Dài (đặc khu Vân Đồn). BĐBP tỉnh tổ chức đội tàu Hải đội 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, Cẩm Phả; Lữ đoàn 170 Hải quân duy trì 2 tàu sẵn sàng tham gia cứu nạn từ Vịnh Hạ Long đến Cô Tô và các vùng biển khác.
Kế hoạch còn phân định rõ trách nhiệm chỉ huy: Bộ CHQS tỉnh thành lập Sở chỉ huy thường xuyên tại trụ sở Bộ Chỉ huy và 3 Sở chỉ huy tiền phương tại Ban Chỉ huy PTKV 5, Ban Chỉ huy PTKV 3, Ban Chỉ huy PTKV 1; sẵn sàng điều hành các tình huống khẩn cấp, như vỡ đê, vỡ đập hồ, sạt lở đất, cháy rừng, sập hầm lò, sự cố tràn dầu, tai nạn trên biển.
Đại tá Tạ Văn Biên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nhấn mạnh: Đơn vị xác định nhiệm vụ PCTT&TKCN không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. LLVT tỉnh luôn chủ động xây dựng và luyện tập phương án sát với thực tiễn từng địa bàn; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng quân đội, biên phòng, hải quân và chính quyền địa phương. Mục tiêu lớn nhất là giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, giữ vững bình yên cho tỉnh trong mọi tình huống thiên tai, thảm họa.
Ý kiến ()