Ngành GTVT tiên phong, gương mẫu...
Thực hiện Công điện số 488/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia đối với trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, góp phần làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Công đoàn GTVT; các Sở GTVT yêu cầu việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nghiêm cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.
Bên cạnh đó, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe. Ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc trước khi điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia; “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tập huấn năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về vận tải của Sở GTVT, cho lực lượng Thanh tra giao thông, các cán bộ quản lý bến xe, doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô trên địa bàn về các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ và các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải khi xe xuất bến và xe vào bến; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của Sở GTVT phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bến xe và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các lái xe vi phạm...
Cùng với đó, Công đoàn GTVT có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện các quy định của pháp luật về rượu, bia và quy định của ngành. Đồng thời, nghiên cứu đưa nội dung quy định về cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực vào nội quy, quy chế, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua khen thưởng của công đoàn viên...
Có thể nói, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì Bộ GTVT là một trong những ngành, đơn vị tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chỉ đạo, cụ thể hóa các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong nội bộ ngành, vốn có nhiều liên quan đến đội ngũ lái xe, hoạt động vận chuyển người và hàng hóa. Điều này cho thấy, ngành GTVT đã rất ý thức được tác hại của rượu, bia đối với các lĩnh vực, hoạt động của ngành, nhất là khi các lái xe, người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn trong cơ thể, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất là vụ tai nạn xảy ra ngày 2/6 mới đây tại TP Bắc Giang, đã khiến 3 người trong cùng một gia đình (gồm vợ, chồng và con) tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong cơ thể ở mức rất cao (gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ) đã đâm văng cả gia đình nạn nhân đang đi xe máy trên đường...
Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt với việc áp dụng, triển khai nhiều biện pháp, nhưng sự chuyển biến cũng chưa được nhiều, chưa rõ nét. Cụ thể là số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm được 1,07%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước...
Do vậy, với việc ngành GTVT tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; nghiêm cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc... sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu, bia - không lái xe” trong các cơ quan, đơn vị, cũng như toàn xã hội, qua đó góp phần nâng cao ý thức của mọi người trong chấp hành các quy định về an toàn giao thông, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại, mất mát do tai nạn giao thông gây ra. Và qua đây cũng hy vọng có thêm nhiều ngành, đơn vị cũng gương mẫu, tiên phong triển khai thực hiện như ngành GTVT...
Ý kiến ()