Ngăn chặn hiệu quả “cơn sốt” gạo
Đó là do tin đồn và nạn đầu cơ của một số cá nhân, đơn vị, cơ sở kinh doanh. Thêm vào đó còn do tâm lý mua tích trữ gạo theo phong trào của không ít người dân khi xảy ra sốt giá. Hậu quả làm cho thị trường gạo khan hiếm giả tạo, tạo cớ cho nhiều hộ kinh doanh đẩy giá tăng vọt khiến nhiều người dân hoang mang.
Ngay khi “cơn sốt” xảy ra, Chính phủ đã kịp thời vào cuộc, hàng loạt các giải pháp tức thời được triển khai từ trung ương đến địa phương. Các tổng công ty lương thực ở cả hai miền đã điều chuyển, bổ sung một lượng lớn gạo cho các địa phương xảy ra cơn sốt. Các nhà quản lý, chuyên gia về an ninh lương thực có những phân tích, lý giải khoa học, thuyết phục để ổn định tư tưởng cho nhân dân. Do đó chỉ sau ít ngày cơn sốt giá gạo đã được chặn đứng. ở nhiều địa phương giá gạo đã trở về gần như cũ, lượng gạo khá phong phú trong các cửa hàng, người dân không còn đổ xô đi mua gạo cất giữ v.v..
Ở đây có thể thấy rằng, để quản lý và bình ổn thị trường vai trò của nhà nước và các doanh nghiệp chủ đạo là hết sức quan trọng. Chính sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Bộ ngành chức năng và các doanh nghiệp nhà nước nên đã nhanh chóng chặn đứng được tình trạng sốt giá gạo những ngày qua, đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, lành mạnh.
Liên hệ với tỉnh ta, nếu trong những tháng đầu năm, khi “cơn sốt” gạch xây dựng khởi phát, các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc kịp thời thì có lẽ giá gạch đã không thể tăng đến mức 200, 300% như nó đã diễn ra. Hậu quả là nhiều công trình phải dừng, giãn tiến độ, đẩy giá thành lên cao, người dân lo lắng...
Trong nền kinh tế thị trường những diễn biến bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vậy rất cần sự chủ động, tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước nhất là trong công tác dự báo, đưa ra các giải pháp hữu hiệu khi cần thiết...
Ý kiến ()