Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Nhiều cơ hội kể cả khi có chiến tranh thương mại
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng vẫn được thúc đẩy với nhiều cơ hội.
Xuất khẩu năm 2025 có thể gặp thách thức tương đối lớn liên quan tới những thay đổi về chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ. Các cuộc trả đũa thương mại của các nước nếu diễn ra sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro cho các thị trường xuất khẩu.
Liên quan đến những chính sách mới của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động đến thương mại toàn cầu, trong đó có xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp của ngành nông nghiệp Việt Nam để ứng phó với những vấn đề mới này.
Đã "bước vào" được thì phải duy trì được
- Thứ trưởng nhận định như thế nào về những tác động tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Mỹ trong thời gian tới?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất Việt Nam, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa của Canada, Mexico, Trung Quốc dự kiến sẽ có những khó khăn, thách thức khi có những đối đầu trong thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ được duy trì khá tốt và gần đây là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi cho rằng dù có tác động bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng chắc chắn quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ được thúc đẩy với nhiều cơ hội.
- Theo Thứ trưởng, ngành nông nghiệp sẽ cần chuẩn bị gì để sẵn sàng ứng phó, bắt nhịp với những thay đổi của thị trường xuất khẩu trong năm 2025?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tới 21,8% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản. Chúng ta đã “bước vào” được thị trường rồi thì chúng ta phải duy trì được. Mặc dù các chính sách đang thay đổi rất khó lường nhưng tôi tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ bắt nhịp được với những sự thay đổi mới.
Hiện nay, hệ thống công nghệ trong ngành nông nghiệp quy mô không lớn nhưng là những thế hệ công nghệ sau, hiện đại. Bên cạnh đó, khi đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chúng ta đã biết được yêu cầu của thị trường về: Vùng trồng, giống, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống sản phẩm động vật, thức ăn, quy trình thú y, phòng bệnh, an toàn sinh học, thu hoạch, sơ chế, chế biến… Nếu những quy định về quy chuẩn chất lượng sản phẩm này có thay đổi đột xuất nhưng cũng không thể quá bất thường.
Việt Nam có Tham tán thương mại tại Mỹ và đây là đầu mối để nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của thị trường này. Do vậy, những thông tin từ Tham tán, Sứ quán sẽ giúp ngành phân tích, thúc đẩy thương mại, tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương với các tỉnh, thành phố thì hoàn toàn có thể ứng phó, bắt nhịp được với những thay đổi bất định của thị trường Mỹ cũng như thị trường Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Càng ra biển lớn càng phải quyết tâm cao
- Một trong những giải pháp để ứng phó với chiến tranh thương mại có thể xảy ra là mở rộng thị trường xuất khẩu, xin Thứ trưởng cho biết việc phát triển các sản phẩm, thị trường sẽ được triển khai như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nhiều nhận định, dự báo được đưa ra cho thấy chiến tranh thương mại đã rất gần và cần phải chuẩn bị một hệ thống giải pháp, trong đó Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để mở cửa thị trường Halal và phối hợp Bộ Công thương để triển khai xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường khác.
Sau 40 năm tái thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp duy trì ở mức cao. Các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 200 thị trường. Ngoài thị trường Mỹ, Trung Quốc là hai thị trường lớn còn có thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng là những thị trường quan trọng được duy trì. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh xúc tiến mở mới những sản phẩm, thị trường có tiềm năng, lợi thế lớn như thị trường Halal với 2,2 tỷ người. Mặc dù Halal là thị trường lớn nhưng có những tiêu chí, quy chuẩn khác nhau của từng quốc gia.
Càng ra biển lớn hơn sẽ càng khó khăn, thách thức và càng khó khăn, thách thức thì càng phải quyết tâm cao, càng phải tổ chức sản xuất thật sự nghiêm túc, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số và hướng theo kinh tế xanh, giảm phát thải để duy trì được đà tăng trưởng.
Nếu ngành nông nghiệp xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm theo chuỗi và các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến được nâng cao thì chúng ta sẽ đảm bảo về mặt chất lượng và yên tâm củng cố, mở rộng các thị trường.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, trước tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2/2025 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, vấn đề nổi lên như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ… |
Ý kiến ()