
Thêm hi vọng hồi sinh tuyến đường sắt đến Hạ Long
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã tốn khá nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí, khi nhiều lần dự án dự kiến được khởi động lại, điều chỉnh quy mô, điều chuyển chủ đầu tư… Tuy nhiên, đến thời điểm này, vì nhiều nguyên nhân dự án vẫn “án binh bất động”. Và mới đây một hi vọng mới lại được nhen lên khi Bộ Xây dựng đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án, trong đó có điều chỉnh công năng, đề xuất điều chỉnh thiết kế từ chở hàng hóa sang vận tải hành khách.
Trước đây, Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đầu tư khi dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến chủ yếu là hàng hóa, từ khu vực Vân Nam (Trung Quốc) kết nối với cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ năm 2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dài 131km, nối ga Yên Viên với cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị đình hoãn do chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ.

Để đưa dự án tái khởi động trở lại, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án, đề xuất điều chỉnh thiết kế từ chở hàng hóa sang vận tải hành khách là chủ yếu. Bởi theo kết quả nghiên cứu do liên danh tư vấn thực hiện, nhu cầu vận tải chủ yếu trên tuyến này đến năm 2050 là hành khách, tăng lên 7- 8 triệu lượt khách mỗi năm, trong khi hàng hóa giảm còn 2,7-3,3 triệu tấn/năm. Do vậy, Bộ Xây dựng đánh giá cần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, liên danh tư vấn đề xuất không đầu tư khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm trên đoạn tuyến Lim - Phả Lại - Hạ Long như trước mà điều chỉnh thành khổ đường đơn 1.435 mm. Lý do là nhu cầu vận tải hàng hóa khổ đường 1.000mm thấp, trong khi đó chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng đối với đường lồng cao hơn khoảng 1,25 lần so với đường đơn 1.435mm. Liên danh tư vấn đề xuất tốc độ thiết kế tối đa 120 km/h cho tàu khách và 80 km/h cho tàu hàng. 4 ga sẽ được xây mới gồm Nam Sơn, Châu Cầu, Chí Linh mới và Cái Lân; cải tạo 8 ga và xây dựng mới 19 cầu; nâng cấp 36 cầu trên tuyến đường sắt hiện tại. Với quy mô dự kiến đầu tư mới, Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ có tổng đầu tư mới là 9.989 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Dự án thực hiện từ năm 2026 đến năm 2030 và đưa vào khai thác năm 2031.
Trước đó, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị rà soát phương án đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị này nghiên cứu, đánh giá đề xuất của Tập đoàn Vingroup về đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và khả năng kết hợp đầu tư với tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để tận dụng tối đa công trình, hạng mục công trình đã đầu tư.
Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, đánh giá bổ sung kịch bản đầu tư với các dải tốc độ 160 km/h và 300 km/h để đề xuất lựa chọn kịch bản đầu tư hiệu quả; đồng thời đề xuất phương thức đầu tư và các giải pháp về cơ chế, chính sách kèm theo (nếu có).
Và mới đây, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và bổ sung tuyến đường sắt này vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh có tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác riêng tàu khách, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa. Điểm đầu tuyến đường tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, TP Hà Nội; điểm cuối tại khu công viên rừng phường Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 120,9km.
Về hướng tuyến, Vingroup đề xuất từ ga Cổ Loa, TP Hà Nội, tuyến đường đi theo đường nối tới sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đi tiếp qua Hải Dương tới Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó tuyến đường sắt đi tiếp tới điểm cuối là khu công viên rừng, phường Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh.
Dự kiến, tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh có 4 ga gồm Cổ Loa, Gia Bình, Yên Tử và Hạ Long; nếu thực hiện phương án đi qua Yên Viên thì có thêm ga Yên Viên. Dự án cần 308ha đất, mức đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD (tương đương 133.175 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến năm 2030.
Hi vọng rằng, với sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, cùng việc nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư lớn, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sớm được đầu tư trở lại để tạo thêm một tuyến giao thông hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần khắc phục tình trạng dự án treo, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cho dự án như trong thời gian vừa qua.
Ý kiến ()